Vĩnh biệt cha đẻ của “Dế mèn phiêu lưu ký”

KTĐT - Cha đẻ "Dế mèn phiêu lưu ký" - nhà văn Tô Hoài đã chia tay nhân thế vào sáng 6/7 tại nhà riêng ở Hà Nội, để lại bao nỗi tiếc thương cho bạn văn, bạn viết và độc giả nhiều thế hệ.

70 năm miệt mài cầm bút
Nhà văn Tô Hoài (tên thật là Nguyễn Sen) sinh ngày 27/9/1920 tại quê nội ở huyện Thanh Oai trong một gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại - làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thuở thiếu thời, ông đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống: Dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn... và nhiều khi thất nghiệp. Bén duyên văn chương, ông nhanh chóng được bạn đọc chú ý, nhất là với truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Năm 1943, khi mới 23 tuổi, nhà văn Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc...
95 tuổi với hơn 70 năm lao động nghệ thuật, cây đại thụ của làng văn Việt Nam đã để lại hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Năm 1996, ông đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Với sự nghiệp văn chương đồ sộ, trong đó có nhiều tác phẩm đặc sắc về Hà Nội, năm 2010, nhà văn Tô Hoài đã được trao tặng Giải thưởng lớn của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.
Ngoài bút danh Tô Hoài, nhà văn người Hà Nội này còn có nhiều bút danh khác như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích…
Tác phẩm để đời
“Dế mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Ban đầu truyện có tên là "Con dế mèn" (chính là ba chương đầu của truyện) do Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội phát hành năm 1941. Sau đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả, Tô Hoài viết thêm truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Năm 1955, nhà văn mới gộp hai truyện với nhau để thành truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” như ngày nay.

Thành công của tác phẩm không chỉ nhờ bút pháp vừa sắc sảo vừa sống động mà còn nhờ ông đã khéo léo thể hiện cuộc ra đi và lý tưởng say mê của Dế Mèn chính là sự giác ngộ chính trị của thanh niên trong nước dưới ảnh hưởng của Mặt trận Dân chủ Đông Dương thời kỳ đó. Các nhân vật loài vật trong truyện có tư tưởng hướng đến "thế giới đại đồng" - một danh từ mà thời đó ai cũng thích nói. Với “Dế Mèn phiêu lưu ký”, khi viết về tâm tư của thế hệ mình và phản ánh xã hội của thời đại mình, Tô Hoài chọn thể loại truyện đồng thoại, hướng về tuổi thơ, mà tuổi thơ chính là một biểu hiện của tinh thần nhân loại. Lựa chọn đó đã đưa Tô Hoài đi đúng hướng, viết nên một tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học thiếu nhi Việt Nam. Năm 1969, chia sẻ về tác phẩm, nhà văn cũng nhấn mạnh: “Viết đồng thoại “Dế Mèn phiêu lưu ký”, tôi không biết phân tích nội dung cũng như cách viết thể loại như bây giờ. Tôi chỉ viết thực tế quanh tôi và tư tưởng lớp thanh niên như tôi. Mọi nhận xét và thói quen cũng như phong tục của con người, tôi đều đem dùng cho việc xây dựng nhân vật”.
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: “Trước năm 1945, các tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam, tiêu biểu là “Dế Mèn phiêu lưu ký”, hướng đến tính nhân loại, nhờ đó mà có giá trị lâu dài. Các tác phẩm về sau của ta không được như thế”.
Ở tuổi ngoài 90, ông vẫn sáng tác. Hai tác phẩm cuối đời của ông là "Cát bụi chân ai" và "Ba người khác" đã tạo "sóng" trong giới yêu văn chương Việt. Vì thế khi nghe tin ông qua đời, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội đã hết sức bối rối: "Sự ra đi của cụ gây nhiều bất ngờ cho anh em văn nghệ sĩ…".

"Dế mèn phiêu lưu ký" đã được đưa vào chương trình học lớp 6 học kỳ 2 môn Ngữ Văn và là một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi của Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất từ trước đến nay.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/van-hoa/tin-tuc/2014/07/81025848/vinh-biet-cha-de-cua-de-men-phieu-luu-ky/