Vinastas công bố nước mắm nhiễm asren: Bảo vệ ai?

"Tôi cũng đã dự Hội thảo nên tôi không bất ngờ, vì thông tin này đã được Giám đốc phát triển sản phẩm của Công ty hàng tiêu dùng Masan phát biểu".

Đó là câu hỏi được ông Võ Văn Đại – Giám đốc Công ty CP nước mắm Vạn phần đưa ra đối với công bố nước mắm nhiễm thạch tín của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tại buổi giao lưu “Cuộc chiến nước mắm và nỗi niềm của người sản xuất truyền thống” được báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 23/10.

Thông báo rất tùy tiện

Ông Đại cho biết do là một doanh nghiệp chế biến sản phẩm nước mắm truyền thống nên việc bị cạnh tranh chèn ép của các đại gia nước mắm công nghiệp là chuyện thường ngày.

“Tôi đã học về MBA nên tôi hiểu rõ những thông tin này là một chiêu trong chiến lược kinh doanh của họ để chiếm thị trường. Tôi cũng đã dự Hội thảo nên tôi không bất ngờ, vì thông tin này đã được Giám đốc phát triển sản phẩm của Công ty hàng tiêu dùng Masan phát biểu tại Hội Hội thảo”, ông Đại nói.

Tuy nhiên điều ông Đại bất ngờ là Vinastas lại là người cung cấp các thông tin này. Đặc biệt việc này diễn ra trong một thời gian rất ngắn và công bố vào thời điểm nhạy cảm khiến dư luận hoang mang.

Ông Võ Văn Đại chia sẻ ý kiến. Ảnh: DV

“Tôi ngạc nhiên bởi chỉ có các bác thành viên, là những người nghỉ hưu, lại có thông tin nhanh như vậy, chỉ sau 7 ngày từ Hội thảo “Nước mắm truyền thống - Bảo tồn và phát triển sản phẩm” đã tiến hành khảo sát, kiểm tra được một số lượng mẫu khổng lồ, với chi phí kiểm nghiệm không nhỏ đã có một báo cáo gọn gàng như vậy.

Phải nói năng lực của Hội là rất siêu, tuy nhiên kiểm tra và thông báo rất tùy tiện, chỉ phản ánh đúng một chỉ tiêu mà trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107/2003 dành cho nước mắm lại không có quy định”, ông Đại đặt nghi vấn.

Từ những phân tích ở trên, ông Đại cho rằng công bố được đưa ra không phải là của Vinastas mà là một báo cáo sẳn có của một đơn vị có sản phẩm khác với nước mắm truyền thống.

“Các bác là lãnh đạo Hội vì quyền lợi người tiêu dùng mặt hàng nước mắm nếu nhầm lẫn kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” kiểu này thì làm sao bảo vệ được quyền lợi của khách hàng?”, ông Đại băn khoăn.

Thông tin sai có...kế hoạch?

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông Lê Anh – Chủ doanh nghiệp nước mắm Lê Gia chia sẻ, có rất nhiều khách hàng đòi hỏi cần giải thích rõ về vấn đề này, yêu cầu cơ sở giải thích chứng minh về các thông số nước mắm của doanh nghiệp đối với hàm lượng arsen.

Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Anh đã phải liên hệ với chuyên gia, các nhà khoa học để được tư vấn.

“Chúng tôi là nhà sản xuất nên chắc chắn phải tin vào nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này.

Chúng tôi được phản hồi là những thông tin vừa qua là không đúng sự thật. Nhưng trước dư luận, chúng tôi vẫn phải đưa mẫu đi ra Hà Nội phân tích. Những ngày đó rất căng thẳng, có rất nhiều cuộc gọi đến để làm rõ vấn đề đó. Một số khách hàng để ngỏ khả năng mua tiếp sản phẩm của chúng tôi”, ông Lê Anh chia sẻ.

Cũng tỏ ra bất ngờ trước thông tin mà Vinastas công bố, ông Lê Anh cho rằng với lượng thông tin dồn dập có kế hoạch, các cơ sở nước mắm truyền thống đã phải chịu thiệt thòi nghiêm trọng.

“Thông tin dồn dập đồng đều có kế hoạch, người tiêu dùng đã tiếp nhận một lượng thông tin sai lầm có kế hoạch, khiến cho những cơ sở sản xuất nước mắm chịu thiệt thòi nghiêm trọng”, ông Lê Anh nhấn mạnh.

Tác nghiệp không đúng chuẩn mực

Cùng tham gia buổi trò chuyện, nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc kênh VOV Giao Thông Quốc Gia nhận định, báo chí trong trong câu chuyện nước mắm, đang có những tác nghiệp không đúng chuẩn mực.

Theo ông Tuyến, khi đứng trước thông tin có tác động đến cộng đồng, cần có câu hỏi liên quan đến thông tin đó. Tại sao Hội đưa ra kết luận đó? Dựa trên căn cứ nào? Quá trình kiểm tra lấy mẫu được thực hiện ra sao, các cơ quan như Bộ Y tế có phát ngôn gì, chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm có phát ngôn gì.

“Nguồn tin từ Vinatass chỉ là 1 nguồn tin, và truyền thông không thể đưa tin dựa trên 1 nguồn tin. Chưa nói đến nghi vấn động cơ, chỉ riêng về mặt tác nghiệp, vụ này là nỗi hổ thẹn của báo chí khi đưa tin không đúng tiêu chuẩn tác nghiệp.

Có thể có một số tờ báo có động cơ, nhưng có một số báo khác không có động cơ nhưng do đuổi theo luồng thông tin, phải chạy theo thông tin, đuổi kịp mạng xã hội nên không có đủ bình tĩnh chín chắn thông thường để kiểm tra nguồn tin và không có nguồn tin để đảm bảo cho thông tin của mình. Một bộ phận báo chí đã tạo nên sự hổ thẹn của nền báo chí Việt Nam hiện nay”, ông Tuyến khẳng định.

Chưa có khái niệm nước mắm công nghiệp

Ông Ngô Quang Tú - Trưởng phòng Chế biến bảo quản thủy sản (Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NNPTNT) cho biết, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có văn bản nào định nghĩa nước mắm là gì.

Trong tiêu chuẩn TCVN 5107:2003 chỉ quy định phạm vi áp dụng là chỉ sản xuất từ cá và muối, còn trước đây không có khái niệm vì chưa có “nước mắm công nghiệp”.

Còn theo tiêu chuẩn Codex năm 2011 được Việt Nam và Thái Lan xây dựng thì nước mắm là sản phẩm dạng lỏng trong, không đục có vị mặn của muối và mùi của cá, thu được từ quá trình lên men hỗn hợp cá và muối.

“Trước đây chưa có khái niệm nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Hai khái niệm này chỉ mới xuất hiện trên thông tin đại chúng sau khi ra đời loại nước chấm có thành phần nước mắm (cốt nước mắm, chất bảo quản, chất điều vị, chất tạo mùi, tạo màu, tạo độ sánh…)”, ông Tú nói.

Hoàng Hải

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/vinastas-cong-bo-nuoc-mam-nhiem-asren-masan-tung-phat-bieu-3321456/