Vinafood – cần một bài học về trách nhiệm và đạo đức kinh doanh

Cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng (VOV) - Doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng liên quan tới sức khỏe của con người thì uy tín không chỉ được hình thành dựa trên nền tảng của luật pháp mà còn là đạo đức

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc cơ quan chức năng và báo chí đã phanh phui hàng loạt thực phẩm nhập khẩu bị nhiễm khuẩn, hoặc quá hạn sử dụng của một số doanh nghiệp. Đỉnh điểm của vụ việc chính là khi Công ty cổ phần thực phẩm Việt Nam (Vinafood), một tên tuổi lớn, một thương hiệu “uy tín”, một trong những doanh nghiệp nhập khẩu thịt đông lạnh lớn nhất nước đã “cố tình” tráo hạn sử dụng hơn chục tấn chân giò lợn đông lạnh nhập từ Canada và Mỹ… để rồi tìm cách bán ra thị trường... Bằng mắt thường, chẳng mấy ai có thể biết đâu là chân giò hết hạn sử dụng và đâu là chân giò… còn hạn sử dụng, nhất là khi nó đã được đông lạnh. Như vậy, người tiêu dùng chỉ còn cách tin vào uy tín, tin vào cái được xem là “thương hiệu” của Vinafood. Ấy vậy mà mới đây thôi, cơ quan thú y đã phát hiện trong kho hàng Vinafood có đùi gà… không xác định được hạn sử dụng; có sườn cốt lết và xúc xích đã hết hạn; có cả thịt lợn đã quá đát từ cách đây đến hơn 3 tháng nhưng lại được Vinafood tự ý gia hạn đến một năm sử dụng… Thậm chí, có những lô hàng cơ quan chức năng đã niêm phong vì có vấn đề về chất lượng, nhưng doanh nghiệp này vẫn tự ý tháo gỡ niêm phong và bán một số lượng hàng ra thị trường! Đây quả là một cách hành xử thiếu đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm, coi thường sức khỏe của người tiêu dùng, và còn là vi phạm pháp luật. Nhãn hàng với thời hạn đã được "phù phép" Trong kinh doanh có thể có những nguyên tắc chung, nhưng kinh doanh thực phẩm, thức uống phải là đặc biệt. Nó không giống như người ta bán một cái quần, hay đơn giản hơn là một chiếc ti vi. Nếu chẳng may, người bán bán một chiếc tivi hỏng, chủ hàng có thể nhận lại để bảo hành, để sửa chữa. Nhưng khi bán thức ăn hỏng và người tiêu dùng đã mua, sử dụng có khả năng sẽ gây ngộ độc hàng loạt và di hại cho sức khỏe về sau, không những thiệt hại về kinh tế mà còn có thể làm rối loạn cả xã hội. Một con số thống kê của Bộ Y tế cho thấy, chỉ trong tháng 7 này, cả nước đã có đến 500 người phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Không biết lãnh đạo Vinafood nghĩ gì về con số đáng giật mình này, khi đây cũng là khoảng thời gian mà Vinafood đã cố tình vi phạm về đạo đức kinh doanh. Sẽ có 3 điều đáng suy ngẫm đối với Vinafood: Thứ nhất: Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, cộng đồng doanh nghiệp đang phải gồng mình cạnh tranh ở thị trường nước ngoài, tìm kiếm thị phần trong nước để đứng vững, đáng nhẽ những doanh nghiệp như Vinafood muốn giữ thị phần trong nước thì càng phải chăm lo nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm chứ không thể “hy sinh” lợi ích của người tiêu dùng bằng lợi ích cho mình. Cho dù lãnh đạo Vinafood có thể biện minh bằng lý do gì chăng nữa nhưng rõ ràng hành động “hy sinh” sức khỏe, thậm chí có thể là sinh mạng của người tiêu dùng vì lợi ích của riêng Vinafood là điều mà xã hội không thể chấp nhận được, cả cộng đồng doanh nghiệp cũng không thể chấp nhận được. Thứ hai: Vinafood là doanh nghiệp lớn được gây dựng từ lòng tin của người tiêu dùng, giờ đây lòng tin của người tiêu dùng đối với Vinafood chắc chắn sẽ bị xói mòn. Trong một bối cảnh như vậy, điều mà Vinafood cần phải làm không chỉ sự gương mẫu thực thi các quy định về an toàn thực phẩm mà còn là uy tín đạo đức với khách hàng. “Tên tuổi” lẽ ra phải được Vinafood ưu tiên hàng đầu khi tìm cách vượt sự cố, thay vì cố gắng… tìm cách tận dụng cơ hội kiếm thêm tiền từ những tấn chân giò hết hạn. Trong khi người ta vẫn còn nhớ, sự thành công của Vianfood là dựa trên sự tín nhiệm – lòng tin với người tiêu dùng. Đặc biệt, với các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng liên quan tới sức khỏe của con người như Vinafood thì uy tín không chỉ được hình thành dựa trên nền tảng của luật pháp mà còn là đạo đức. Thứ ba: trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, hầu hết các nước đều siết chặt các quy định về an toàn thực phẩm – những mặt hàng liên quan trực tiêp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Có những hành vi như vậy thì gần như “cánh cửa” làm ăn, cách cửa xuất khẩu của Vinafoood ra bên ngoài không còn nữa…. Qua vụ việc này, người ta cứ tưởng người tiêu dùng có thể sẽ bị thiệt hại lớn nhất. Thế nhưng xét cho đến cùng, người tiêu dùng bị thiệt một, còn Vinafood thiệt mười. Sự đánh đổi một chút lợi nhuận cho uy tín và thương hiệu dày công gây dựng, tất yếu Vinafood sẽ gánh hậu quả không chỉ là “tiền bạc” mà có thể còn là tất cả những gì mà Vinafood… đang có./. Đức Thành

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/vinafood--can-mot-bai-hoc-ve-trach-nhiem-va-dao-duc-kinh-doanh/20097/117588.vov