Viettel, Hà Nội, Hội Tin học "thèm" cơ chế thuê dịch vụ CNTT

ICTnews - Việc thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan Nhà nước tiết giảm chi phí đầu tư dự án, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là cơ quan Nhà nước có thể bị "chốt" vào sự độc quyền của nhà cung cấp, không đảm bảo an toàn an ninh, hoặc tiền thuê dịch vụ quá cao.

Hiện chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về việc cho phép cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Viettel, Hà Nội, Hội Tin học "thèm" cơ chế thuê dịch vụ CNTT

ICTnews - Việc thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan Nhà nước tiết giảm chi phí đầu tư dự án, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là cơ quan Nhà nước có thể bị "chốt" vào sự độc quyền của nhà cung cấp, không đảm bảo an toàn an ninh, hoặc tiền thuê dịch vụ quá cao.

>> VNPT cho Văn phòng Quốc hội thuê dịch vụ CNTT / Cho thuê phần mềm: Khó thu tiền vì thiếu cơ chế

Khát khao cơ chế mới

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ TT&TT diễn ra sáng nay (ngày 26/12/2013), ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel đề xuất Bộ TT&TT khuyến nghị Chính phủ, cơ quan Bộ, ngành nên thuê dịch vụ CNTT của các công ty, doanh nghiệp thay vì tự đầu tư.

“Đầu tư thì vừa không đủ ngân sách, vừa phải nuôi bộ máy vận hành, khá tốn kém. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD cả về phần cứng, phần mềm cho các hệ thống CNTT, sẵn sàng cho các Bộ, ngành, chính quyền địa phương thuê sử dụng. Bộ TT&TT cần quy định chuẩn hóa về CNTT cho các Bộ, ngành và “mở cửa” cho các bên thứ 3 cung cấp dịch vụ, ứng dụng CNTT cho các cơ quan Nhà nước (hiện nhiều Bộ, ngành có riêng trung tâm CNTT nên thường “đóng”)”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP) cho biết: “Chúng tôi cũng đã nói nhiều về vấn đề phát triển dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thay vì các dự án đầu tư ứng dụng CNTT xin mãi không được tiền thì các cơ quan Nhà nước nên thuê ngoài dịch vụ CNTT, có thể theo phương thức trả dần trong 5 năm trong thời kỳ khấu hao của CNTT. Thế nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có quy định cụ thể về vấn đề này”.

Sự thiếu hụt cơ chế, chính sách về thuê ngoài dịch vụ CNTT đối với các cơ quan Nhà nước đang là một “lực cản” đối với hoạt động phát triển ứng dụng CNTT tại các địa phương. Điển hình như tại Hà Nội, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết: “Tháng 4/2013, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã làm việc với Viettel đề nghị phối hợp triển khai chính phủ điện tử cho Hà Nội, nhưng khi đó, Sở Tài chính nói không có cơ chế giá nên khó triển khai dưới dạng thuê dịch vụ của Viettel. Trên thực tế, về hạ tầng mạng thì Hà Nội vẫn đang thuê của VNPT, thế nhưng về dịch vụ, ứng dụng CNTT thì không có cơ chế, chính sách cụ thể nào về việc cơ quan Nhà nước có thể thuê dịch vụ của doanh nghiệp”.

“Bộ TT&TT cần nghiên cứu và sớm có đề xuất cơ chế, chính sách về việc triển khai thuê dịch vụ CNTT, nếu không sẽ lãng phí lớn khi một bên là doanh nghiệp đã có hệ thống sẵn sàng thì không cho thuê được, còn một bên là cơ quan Nhà nước phải đi xin đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong khi nguồn lực có hạn. Các địa phương như Hà Nội đang chờ quy định, chính sách hướng dẫn từ Bộ TT&TT để có căn cứ cho việc triển khai cụ thể”.

Mặt trái của vấn đề

Vấn đề khuyến khích các cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT thay vì tự đầu tư các dự án, hệ thống CNTT đã được các chuyên gia, doanh nghiệp CNTT và nhiều cơ quan Nhà nước đặt ra từ khá lâu nay với nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Tại Hội nghị của Bộ TT&TT hôm nay, những người ủng hộ cho rằng việc thuê dịch vụ CNTT sẽ giúp các cơ quan Nhà nước tiết giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang Nguyễn Văn Diệu phân tích: “Do tính chất đặc thù của ứng dụng CNTT, không phải như mua thịt, hôm nay có thể mua của người này, mai có thể mua của người khác, mà chỉ được mua của 1 nhà cung cấp trong 1 thời gian nhất định. Nếu cột chặt vào nhà cung cấp dịch vụ, ban đầu có thể hữu hảo nhưng sau này rất có thể sẽ bị “cột” bằng cơ chế độc quyền, chưa kể vấn đề khó đảm baoản toàn an ninh. Bởi vậy chỉ nên thuê dịch vụ 1 cách mức độ”.

Còn ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng đồng tình với việcthuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp, nhưng băn khoăn vì giá thuê lại quá cao. "Với dịch vụ ưu đãi của mạng truyền số liệu chuyên dùng, để đảm bảo nhu cầu băng thông kết nối cho chính quyền điện tử quy mô nhỏ như Sở TT&TT Đà Nẵng thì mỗi năm cũng mất gần 50 tỷ đồng tiền phí kết nối. Cùng với Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng đã hình thành hạ tầng để xây dựng chính quyền điện tử với hàng nghìn ứng dụng, dịch vụ công được đưa lên mạng, nhưng sau khi tính toán với mức phí kết nối như hiện nay thì Đà Nẵng không đủ tiền để kết nối cho chính quyền điện tử", ông Sơn nhấn mạnh.

Cho đến giờ, xây dựng và hoàn thiện những cơ chế, chính sách về việc cơ quan Nhà nước được thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp có thể "chiều lòng" mọi đối tượng liên quan, trong đó có những đối tượng đối nghịch nhau về lợi ích, vẫn là nhiệm vụ rất khó đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách.

Vụ CNTT, Bộ TT&TT dự kiến sẽ đưa các quy định cụ thể về việc cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp vào Nghị định về dịch vụ CNTT, song hiện tại dự thảo Nghị định vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.

Xuân Bách

Nguồn Infonet: http://ictnews.vn/home/CNTT/4/Viettel-Ha-Noi-Hoi-Tin-hoc%C2%A0them-co-che-thue-dich-vu-CNTT/113815/index.ict