Việt Trì phấn đấu trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc

Thành lập ngày 4-6-1962, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với sự phát triển chung của đất nước, trong những năm qua, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã tập trung nguồn lực, phát huy nội lực xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, phấn đấu trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng

Trong những năm qua, Đảng bộ thành phố Việt Trì đã lãnh đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội nhanh và vững chắc, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị.

Kinh tế phát triển toàn diện, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, giá trị tăng thêm (theo giá so sánh năm 2010) đạt 11.457,3 tỷ đồng, giá trị tăng bình quân đầu người đạt 74,92 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp định hướng phát triển của thành phố, tỷ trọng nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản giảm còn 2,24%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng lên, chiếm 97,76%. Trong đó, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa cận đô thị, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, giữ vững vai trò chủ lực và quyết định đến tăng trưởng kinh tế trên địa bàn; các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia; đến nay toàn thành phố có sáu trong số 10 xã được công nhận xã nông thôn mới, bốn xã còn lại cơ bản đạt từ 15 tiêu chí nông thôn mới trở lên, đang tích cực phấn đấu trở thành xã nông thôn mới trong năm 2017. Có bảy trong số 10 phường được công nhận phường chuẩn văn minh đô thị, tỷ lệ đạt 70%.

Đặc biệt, thành phố đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị một cách đồng bộ với các tuyến đường giao thông nội thành, các tuyến quốc lộ, hệ thống cầu và đường đối ngoại. Nhiều tuyến đường, tuyến phố được đầu tư xây dựng, chỉnh trang, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, như: đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 2, quốc lộ 32C, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang; đường Phù Đổng, Nguyệt Cừ, Tô Vĩnh Diện, Vũ Duệ, Thạch Khanh, Nguyễn Tất Thành, Thụy Vân, Vũ Thê Lang, Phù Đổng, Tiên Sơn… Bên cạnh đó, thành phố cũng quan tâm các dự án chỉnh trang làm đẹp đô thị. Việc khớp nối các tuyến đường, hạ tầng khu dân cư, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng được đầu tư khá nhiều, làm cho bức tranh đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn. Cùng với đó, hệ thống giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 73,69%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 69,28%, tất cả các tuyến đường chính đô thị được chiếu sáng. Hạ tầng dịch vụ, du lịch được tăng cường đầu tư, các trung tâm thương mại, hệ thống chợ đầu mối, siêu thị, phố ẩm thực như: Quảng trường Hùng Vương, công viên Văn Lang, khách sạn Mường Thanh, Vincom đã và đang được hoàn thành cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thành phố.

Trong những năm qua, thành phố đã tập trung đa dạng hóa các hình thức huy động vốn đầu tư như đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công - tư và hình thức đầu tư không sử dụng vốn ngân sách. Dự kiến, trong giai đoạn 2015- 2020, thành phố thu hút vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 33.000 đến 34.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này được thành phố tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, thông tin - truyền thông... để phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng du lịch và không gian kiến trúc cảnh quan. Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế cũng chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ nhờ sự quan tâm chỉ đạo của thành phố. Khu công nghiệp Thụy Vân, cụm công nghiệp Đồng Mạ, Bạch Hạc, Phượng Lâu, Nam Việt Trì… được đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sạch tạo điều kiện thuận lợi thu hút một số doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế cũng được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt kết quả trên nhiều mặt: quy mô, mạng lưới trường, lớp liên tục phát triển, chất lượng dạy và học được nâng lên; thành phố Việt Trì luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh và trong tốp đầu các đô thị cùng loại về số lượng và chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu… góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, các chương trình y tế được triển khai hiệu quả, cơ sở vật chất, chất lượng khám, chữa bệnh có nhiều tiến bộ. Hiện nay toàn thành phố đã có 14 trong số 23 phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2; hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Hướng đến thành phố lễ hội

Thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Phú Thọ, có hệ thống giao thông thuận lợi, nối liền các tỉnh trung du, miền núi phía bắc với Hà Nội.

Từ buổi bình minh dựng nước, các Vua Hùng đã chọn nơi đây làm kinh đô của nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Vùng đất này có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, là vùng địa linh nhân kiệt, "đất cội nguồn nuôi chí lớn ông cha" trong công cuộc khẩn hoang dựng nước. Cũng bởi vậy, nơi đây còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, những dấu tích khảo cổ quan trọng của kinh đô Văn Lang xưa và là nơi có Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, hằng năm diễn ra Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương thành kính và thiêng liêng, điểm hội tụ hướng về cội nguồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn khá nhiều di tích khảo cổ học của đủ các giai đoạn văn hóa từ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn cùng các công trình kiến trúc, di tích độc đáo mang đậm giá trị nghệ thuật như: quần thể di tích phường Bạch Hạc, các di tích phường Dữu Lâu, Phượng Lâu, Trưng Vương, di tích lịch sử quốc gia Hùng Lô, quần thể di tích xã Kim Đức, di tích khảo cổ quốc gia Làng Cả, nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa ở Minh Nông... Không gian văn hóa của Việt Trì trong quá khứ thể hiện ở cả những tên đất, tên làng, các truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội và tâm linh gắn liền thời đại Hùng Vương lưu truyền trong dân gian qua các thế hệ và hiện thân vào việc minh chứng cho sự tồn tại của lịch sử truyền thống và văn hóa dân tộc.

Để sớm đưa Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, thời gian qua, Đảng bộ thành phố đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng, chỉnh trang đô thị. Trong đó, xác định nội dung xây dựng đô thị văn minh - văn hóa là khâu đột phá nhằm đưa Việt Trì xứng đáng là một trong 11 trung tâm vùng của cả nước và trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở triển khai tích cực, hiệu quả “Năm văn minh đô thị 2016”, nhiều khu vực của thành phố được chỉnh trang, nâng cấp; quản lý trật tự đô thị được tăng cường bảo đảm yêu cầu về mỹ quan đô thị. Phát huy lợi thế là thành phố đô thị loại I, Việt Trì đã chủ động phối hợp các ngành, xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án trọng điểm gắn với thực hiện đề án xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam và hoàn chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, thành phố luôn chú trọng bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống vùng đất Tổ như hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, tổ chức lễ hội văn hóa dân gian đường phố nhằm khơi dậy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; tích cực quảng bá tiềm năng du lịch và các sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc.

55 năm qua phát huy những truyền thống đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố, Đảng bộ thành phố Việt Trì tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa trình tự, thủ tục hành chính, vận hành tốt, đồng bộ cơ chế một cửa liên thông hiện đại; minh bạch hóa các quy định liên quan điều kiện kinh doanh. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển các ngành dịch vụ thành phố Việt Trì giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030; xây dựng, quy hoạch thành phố với kiến trúc đặc sắc kết hợp tính dân tộc và hiện đại, tạo ra sự hài hòa, liên kết hợp lý giữa các chức năng của thành phố lễ hội du lịch.

Phát triển quy mô, mạng lưới các ngành học, cấp học theo Quy hoạch mạng lưới trường lớp thành phố Việt Trì đến năm 2030; năm 2020 tỷ lệ trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn 100% đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 51% tổng số lao động xã hội, trong đó 44% có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo. Tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đến năm 2020, tất cả các phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (giai đoạn 2), tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu; giữ gìn, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch trong các lĩnh vực đầu tư. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ có trình độ, đủ sức tiếp thu, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất và đời sống.

Tập trung xây dựng đô thị văn minh, văn hóa gắn với mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; phát động phong trào thi đua thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện phong cách công dân thành phố Việt Trì: thanh lịch, mến khách, thân thiện, giàu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ.

Với những thành tích đạt được trong 55 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Việt Trì đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 22-8-1998).

- Ngày 4-5-2012 thành phố Việt Trì được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Thọ theo Quyết định số 528/QĐ-TTg.

- Đảng bộ và nhân dân thành phố Việt Trì được Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; nhiều năm liền được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ…

- Thành phố có 18 bà mẹ được phong tặng, 111 bà mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 15 tập thể, năm cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một đơn vị được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”; ba cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

- 49 tập thể, 34 cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được biểu dương, khen thưởng cấp thành phố; ba tập thể, sáu cá nhân được tỉnh tặng bằng khen, một tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33032402-viet-tri-phan-dau-tro-thanh-thanh-pho-le-hoi-ve-voi-coi-nguon-dan-toc%c2%a0.html