Viết tiếp bài "Vụ tranh chấp nhãn hiệu Vĩnh Tiến...": TIE Miền Bắc thừa nhận hành vi vi phạm

Ngày 20/10/2016, Báo Người Tiêu Dùng đăng bài phản ánh Công ty TIE Miền Bắc bị "tố" xâm phạm nhãn hiệu của Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến. Sau khi báo đăng tải, lãnh đạo Công ty TIE Miền Bắc đã làm việc với Báo Người Tiêu Dùng...

Tại buổi gặp, phía Công ty TIE Miền Bắc không hề cho rằng bài viết trên Báo là sai, mà thừa nhận đã vi phạm hợp đồng (HĐ) với Công ty Vĩnh Tiến. Sau đó nêu ra một số khó khăn để "rất mong quý Báo xem xét, chia sẻ trên tinh thần hỗ trợ và hợp tác", rồi... đề nghị gỡ bài! Chính vì thế, Báo Người Tiêu Dùng đã tạm ngưng, không tiếp tục phản ánh, đợi phán quyết của tòa (TIE là bị đơn).

Vi phạm HĐ

Xin nhắc lại, ngày 23/9/2014 Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến và Công ty TIE Miền Bắc ký một HĐ sử dụng thương hiệu có thu phí. Theo đó, TIE Miền Bắc được sử dụng nhãn hiệu “VINH TIEN” và “VIBOOK” của Vĩnh Tiến với điều kiện: Phải "báo cáo sản lượng sản xuất thông qua bộ máy kiểm soát”; chỉ được bán hàng hóa tại "các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên" và mỗi sản phẩm bán ra phải “chịu mức phí sử dụng thương hiệu là 2,5%"...

Tờ khai đăng ký nhãn hiệu "hiện nay vẫn đang trong giai đoạn thẩm định"(!)

Thế nhưng, theo Vĩnh Tiến, sau khi ký kết HĐ, TIE Miền Bắc đã sản xuất hàng loạt sản phẩm có in nhãn hiệu VINH TIEN, VIBOOK và cả logo hình con nai, bán ra cả nước mà không thông báo cho Vĩnh Tiến. Đồng thời, không thanh toán phí sử dụng thương hiệu, cũng như không báo cáo số lượng hàng hóa sản xuất, bán ra...

Tiếp xúc với chúng tôi, lãnh đạo TIE Miền Bắc thừa nhận đã có những vi phạm. Cụ thể, cho đến nay, dẫu đã hơn 2 năm vẫn chưa thanh toán phí sử dụng thương hiệu, không báo cáo sản lượng và bán rộng rãi sản phẩm... Tuy nhiên, TIE lại cho rằng "vẫn được sử dụng nhãn hiệu Vĩnh Tiến". Bởi, căn cứ vào khoản 4, điều 9 của HĐ: “Trừ trường hợp Bên B vi phạm nghĩa vụ thanh toán phí cho phép sử dụng thương hiệu của Bên A đã được bên A nhắc nhở bằng văn bản liên tục 3 lần và thuộc trường hợp khoản 3 điều này (là trường hợp 1 thành viên góp vốn vào TIE chuyển nhượng vốn góp của họ cho bên thứ 3), bên B vẫn được sử dụng nhãn hiệu để sản xuất kinh doanh”(!).

Về lập luận trên, theo luật sư của Vĩnh Tiến, có lẽ TIE đã "quá khôn" khi "nhăm nhăm" vào khoản 4 mà không để ý là không được sử dụng nhãn hiệu vượt ra ngoài những quy định trong khuôn khổ HĐ, cũng như không để ý đến khoản 2, điều 9: “HĐ có thể được chấm dứt và thanh lý theo các trường hợp sau: Một trong hai bên vi phạm các điều khoản đã cam kết trong HĐ...”. Và, với những vi phạm cam kết như thế, Vĩnh Tiến đã ra thông báo chấm dứt HĐ. Đương nhiên, khi HĐ chấm dứt, quyền sử dụng nhãn hiệu cũng không còn.

Cần nói thêm, TIE Miền Bắc lý giải việc không thanh toán phí sử dụng thương hiệu cho Vĩnh Tiến là do Vĩnh Tiến còn nợ tiền của TIE (lúc thì 700 triệu, khi thì 2,2 tỷ?) và "TIE hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết số tài sản cầm cố nêu trên". Vậy, tại sao TIE không thực hiện điều này "theo đúng quy định của pháp luật" mà không rạch ròi để "né" thanh toán phí theo những điều khoản đã thỏa thuận?

Đáng lưu ý, trả lời một tờ báo, ông Lê Ngọc Hưng (Tổng giám đốc TIE) lại đưa ra cách lý giải khác. Đó là, "sản phẩm mới bắt đầu đưa ra thị trường, chưa có kết quả kinh doanh thì căn cứ vào đâu mà thanh toán phí sử dụng thương hiệu", tức không phải do Vĩnh Tiến đang nợ tiền TIE? Vậy, đâu là sự thật?...

"Nhái" cả logo?

Ngoài những vi phạm như đã nêu, TIE còn sử dụng cả logo hình con nai của Vĩnh Tiến, một nhãn hiệu không hề có trong HĐ, để in trên sản phẩm của mình. Câu hỏi đặt ra, cơ sở pháp lý nào TIE tự trao cho mình cái quyền hành xử "lạ lùng" như thế? TIE cho rằng, sự "cầm nhầm" là có trách nhiệm của ông Lâm An Dậu, Chủ tịch HĐTV Vĩnh Tiến - TIE khi đó và hồ sơ đăng ký nhãn hiệu "hiện nay vẫn đang trong giai đoạn thẩm định" (!). Hồ sơ xin đăng ký từ 2014, cho đến tận bây giờ đã gần 2 năm trôi qua vẫn không "chính chủ", vậy mà TIE cứ "vô tư" lấy xài thì liệu có sai???

Cục SHTT "bác" nhãn hiệu của TIE

Điều nữa, liệu TIE không biết (hay biết song cố lờ đi) một sự thật: Không phải hồ sơ đăng ký nhãn hiệu "đang trong giai đoạn thẩm định", mà là Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã chính thức từ chối ra văn bằng bảo hộ nhãn hiệu theo quyết định số 68086/QĐ-SHTT, ngày 26/10/2016 (thế nhưng, phát biểu trên một tờ báo, ông Hưng lại cho rằng, "ngày 8/1/2015, Cục trưởng Cục SHTT ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ cho TIE về mẫu logo này. Vì vậy, việc sử dụng mẫu logo có hình con nai nhí trên sản phẩm "là không vi phạm nhãn hiệu của Công ty Giấy Vĩnh Tiến”)?

Chưa hết, theo TIE, kết luận giám định số NH380 – 16YC/KLGĐ và NHNH381 – 16YC/KLGĐ ngày 28/9/2016 của Viện Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng không đúng. Bởi, TIE không thuộc trường hợp sử dụng nhãn hiệu khi không được chủ sở hữu nhãn hiệu đồng ý! Theo luật sư của ông Lâm An Dậu, sau khi thông báo chấm dứt HĐ với TIE, ngày 27/6/2015 Vĩnh Tiến đã chuyển nhượng cho ông Dậu nhãn hiệu “VINH TIEN và hình con nai nhí”. Ông Dậu đã được Cục SHTT công nhận và cho đến nay, ông chưa ký bất kỳ văn bản nào cho phép TIE được sử dụng nhãn hiệu của mình. Vì thế, theo khoản 2, điều 148 Luật SHTT, HĐ sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ có giá trị với bên thứ 3 khi đã được đăng ký tại Cục SHTT. "Như vậy, giả sử TIE không vi phạm HĐ thì HĐ giữa Vĩnh TIến và TIE cũng không có giá trị pháp lý với bên thứ 3, là ông Dậu, do chưa đăng ký..." - vị luật sư khẳng định.

Kết luận logo con nai "nhái"

Cũng theo vị luật sư, HĐ không có điều khoản nào thỏa thuận sử dụng nhãn hiệu hình con nai. Thế nhưng, TIE lại copy rồi gắn thêm chữ T tạo thành một logo mới. Do đó, đây là hành vi “nhái” nhãn hiệu. Và hành vi này đã được kết luận xâm phạm tại bản Kết luận Giám định số 381 của Viện Khoa học SHTT"!

Vừa qua, Báo điện tử Một Thế Giới mặc dù nhấn mạnh "không nhằm khẳng định ai đúng ai sai""chỉ muốn thông tin về sự việc được đảm bảo tính khách quan, công bằng", thế nhưng lại mang "hơi hướm" quy chụp và đưa ý kiến một chiều từ phía TIE...

MẠC HỒNG KỲ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/viet-tiep-bai-vu-tranh-chap-nhan-hieu-vinh-tien-tie-mien-bac-thua-nhan-hanh-vi-vi-pham-d49610.html