Viết tay lời cảm ơn nhân viên và khách hàng: Bí quyết thành công của cựu CEO Campbell Soup

'Không ai có thể tự mình thành công', CEO Campbell Soup luôn hiểu điều này. Do đó, ông luôn khích lệ, động viên, gửi những bức thư tay để thể hiện tình cảm của mình với nhân viên và khách hàng.

Doug Conant – cựu CEO của Campbell Soup.

Năm 2009, Doug Conant – CEO Campbell Soup - đã gặp một tai nạn xe hơi vô cùng nghiêm trọng. Khi đang được điều trị phục hồi trong bệnh viện, ông nhận được lời nhắn nhủ từ nhân viên, vợ ông ngồi cạnh đã đọc thật to cho ông nghe. Những lá thư được viết tỉ mỉ bằng tay, phần lớn từ những người đền đáp sự quan tâm và lòng tốt của Conant đã khích lệ, động viên họ những năm trước đó.

Trong suốt “nhiệm kỳ” tại công ty, Conant đã gửi hơn 30.000 lời cảm ơn viết tay dành cho nhân viên và khách hàng. Trong một bài báo năm 2011 của Harvard Business Review, Conant giải thích, ông gửi thiệp viết tay bởi hơn một nửa cộng sự Campbell Soup không sử dụng máy tính.

Nhà báo Janice Kaplan đã dành một năm bền bỉ ghi chép lại nhiều câu chuyện để tạo nên cuốn “Nhật ký lòng biết ơn”, tìm hiểu về những tác động của lòng biết ơn và những hành động chi tiết của nó trong cuộc sống. Trong đó, Kaplan đã trích dẫn hành động của CEO Campbell Soup như một ví dụ về sức mạnh của nhà lãnh đạo biết khích lệ nhân viên để tăng năng suất công việc chung.

Nhà báo Kaplan cho rằng, thư cảm ơn không phải lý do duy nhất giúp hiệu suất công việc của Campbell Soup được cải thiện dưới sự lãnh đạo của Conant, nhưng nó góp phần tạo ra một nền văn hóa về lòng biết ơn cho toàn bộ công ty.

Điều đáng nói, khi Conant lên nắm quyền, giá cổ phiếu Campbell Soup rớt thảm hại và nằm top dưới cùng trong danh sách những công ty thực phẩm lớn trên thế giới, theo Fast Company. Tuy nhiên, đến 2009, nó đã vượt qua 2 công ty thực phẩm lớn S&P Food Group và S&P 500.

Chi sẻ trên Business Insider, nhà báo Kaplan cho biết, theo kết quả cuộc điều tra với John Templeton Foundation, khoảng 90% số người khẳng định, một ông chủ luôn thể hiện lòng biết ơn nhiều khả năng thành công hơn. “Không ai có thể tự mình thành công” - bà bổ sung.

Trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo áp dụng bí quyết này, trong đó có Mark Zuckerberg. Theo The Washington Post, năm 2014, ông trùm Facebook đã thử thách bản thân viết một trang cảm ơn mỗi ngày.

Nhưng không phải mọi nhà lãnh đạo đều có thời gian và nguồn lực để làm như vậy. Kaplan cho biết, có vô số cách khác để thể hiện sự đánh giá cao nhân viên của ông chủ. Ví dụ, nếu nhân viên nào đó đã thức cả đêm để hoàn thành dự án cho bạn, một tách cà phê cảm ơn và để nó trên bàn làm việc của họ cũng là một ý tưởng tuyệt vời.

“Bạn không cần xin lỗi khi họ phải làm việc vất vả, bởi vì đôi khi, đó là một phần công việc. Nhưng hãy công nhận công sức của họ, thể hiện sự cảm ơn để họ biết, họ quan trọng trong chặng đường chung của công ty. Thể hiện lòng biết ơn tạo động lực cho nhân viên làm việc chăm chỉ và năng suất hơn, nhưng không phải vị sếp nào cũng làm được”, Kaplan khẳng định.

Theo Trí thức trẻ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/bizlife/viet-tay-loi-cam-on-nhan-vien-va-khach-hang-bi-quyet-thanh-cong-cua-cuu-ceo-campbell-soup-2244009.html