Việt Nam vẫn đang nỗ lực trong việc bảo vệ Động vật hoang dã

Kết thúc Hội nghị lần thứ 17 các nước thành viên CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), Việt Nam là một trong những quốc gia bị đánh giá còn chưa đạt nhiều kết quả trong công tác bảo tồn và xử lý các đối tượng vi phạm.

Việt Nam chưa đạt được nhiều kết quả trong công tác bảo tồn ĐVHD

Vừa qua, Hội nghị lần thứ 17 các nước thành viên CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) tại Johannesburg, Nam Phi đã kết thúc với những kết quả nhất định đối với nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm hiện đang bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng buôn bán trái phép xuyên quốc gia.

Hội nghị CoP17 (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) diễn ra tại Nam Phi đạt nhiều kết quả quan trọng

Đáng chú ý, trong thời gian diễn ra CoP17, Việt Nam đã bị chỉ trích vì không có nhiều vụ bắt giữ và khởi tố các đối tượng phạm tội liên quan đến sừng tê giác. Tuy nhiên trước cách nhìn nhận chưa thật sự chính xác của cộng đồng quốc tế về quyết tâm đấu tranh với các tội phạm về ĐVHD của Việt Nam, bà Vũ Thị Quyên – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) khẳng định: “Trong 10 năm qua, chúng ta đã nỗ lực không ngừng và đạt được những bước tiến nhất định trong công tác giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ ĐVHD cũng như xử lý các vi phạm liên quan đến ĐVHD. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức lớn cần phải vượt qua để có thể đạt được các mục tiêu quan trọng trong công tác bảo vệ ĐVHD.”

Bà Vũ Thị Quyên – Giám đốc ENV nói với báo chí quốc tế và những người ủng hộ đề nghị buôn bán sừng tê giác:“Đừng để sừng tê giác của họ xuất hiện ở đất nước chúng tôi!”

Bà Quyên cũng kêu gọi các cơ quan chức năng tập trung mở rộng điều tra nhằm phát hiện và bắt giữ những đối tượng cầm đầu các đường dây tội phạm buôn lậu ngà voi, sừng tê giác, tê tê và các loài ĐVHD có giá trị lớn khác trên thị trường. Đồng thời đề xuất tòa án áp dụng các khung hình phạt nghiêm khắc để xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật hình sự nhằm ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi vi phạm tương tự.

Hội nghị các nước thành viên đạt nhiều kết quả quan trọng

Một trong những thành công lớn của Hội nghị các quốc gia thành viên CITES lần thứ 17 (CoP17) là phần lớn các quốc gia thành viên đã bỏ phiếu bác bỏ đề nghị hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác của Vương quốc Swaziland. Một thành công lớn nữa liên quan đến tê tê là cả tám loài tê tê (trong đó có hai loài do Việt Nam đề xuất) đều được chuyển lên Phụ lục I, cấp độ bảo vệ cao nhất trong CITES. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cũng tán thành việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ số lượng hổ gây nuôi và chỉ cho phép duy trì số lượng tối thiểu để hỗ trợ hoạt động bảo tồn hổ trong tự nhiên.

Tại Hội nghị quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào cũng đã khẳng định quyết tâm đóng cửa các cơ sở gây nuôi hổ tại Lào, quốc gia được cho là nguồn cung cấp hổ bất hợp pháp lớn cho thị trường Việt Nam.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV trả lời phỏng vấn báo chí

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết thêm: “ENV nhận thấy nhiều bước tiến đáng kể đã được tạo ra tại Johannesburg. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải nắm bắt lấy cơ hội này để biến Việt Nam từ một quốc gia bị coi là một mắt xích trung chuyển, cung cấp và tiêu thụ ĐVHD thành quốc gia có vai trò lớn trong việc xóa bỏ loại tội phạm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam để đảm bảo tội phạm về ĐVHD đều được điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật”.

CoP17 là cuộc họp lớn nhất trong lịch sử 43 năm của CITES, với sự tham gia của 152 chính phủ, nhằm đưa ra quyết định liên quan đến các đề xuất đối với 62 loài ĐVHD từ 64 quốc gia thành viên. Hơn 3.500 người đã tham gia sự kiện được Tổng thư ký CITES John E. Scanlon ví như một “nước cờ quyết định” để đưa ra một loạt các quyết sách quan trọng nhằm quản lý các hoạt động buôn bán quốc tế ĐVHD một cách hợp pháp, bền vững và có kiểm soát. Đây cũng là những biện pháp cứng rắn nhằm tuyên chiến mạnh mẽ với nạn buôn bán ĐVHD trái phép, nâng cấp bảo vệ nhiều loài ĐVHD, đề xuất những chiến lược giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ ĐVHD trái phép và cam kết phối hợp chặt chẽ hơn với các cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ ĐVHD.

Vương Trần

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/viet-nam-van-dang-no-luc-trong-viec-bao-ve-dong-vat-hoang-da-601199.bld