Việt Nam trong top đầu cuộc đua hạ tầng Châu Á

Mặc dù có thể là một trong những nền kinh tế nhỏ nhất ở Châu Á, song Việt Nam lại là một trong những nước dẫn đầu trong cuộc đua về cơ sở hạ tầng ở khu vực này. Đây là nhận định của tờ Bloomberg ngày 23.3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tờ báo viết, theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực công và khu vực tư nhân của Việt Nam đạt mức trung bình 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất Đông Nam Á, thấp hơn so với mức 6,8% của Trung Quốc. Indonesia, Philippines chi dưới 3%, trong khi Malaysia và Thái Lan thậm chí còn ít hơn, dưới 2% GDP.

ADB ước tính, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực sẽ cần phải đầu tư khoảng 26 nghìn tỉ USD từ nay đến năm 2030 để xây dựng mạng lưới giao thông vận tải, tăng cường cung cấp điện và nâng cấp các cơ sở vệ sinh và nước sạch. Việt Nam, nằm trong số những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, đang đẩy mạnh cơ sở hạ tầng hơn nữa để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, với hy vọng nền kinh tế trở thành con hổ mới ở Châu Á.

“Chính phủ Việt Nam biết rằng nếu họ muốn cạnh tranh đầu tư thì chi phí lao động thấp là chưa đủ” - Eugenia Victorino, một nhà kinh tế tại Tập đoàn ngân hàng Australia và New Zealand ở Singapore nói. “Họ cần cơ sở hạ tầng đủ tốt để có thể lôi kéo các công ty nước ngoài đến đặt nhà máy ở đó. Việt Nam đã phát triển cơ sở hạ tầng khá nhanh, với các sân bay và đường sá được xây dựng trên khắp đất nước”.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên mức kỷ lục 15,8 tỉ USD trong năm 2016, Ngân hàng Thế giới WB dự báo nền kinh tế tăng hơn 6% đến năm 2019, và Việt Nam vẫn nằm trong số các nước có tỉ lệ tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ này.

Tuy nhiên, những thách thức đặt ra cũng rất lớn. Việt Nam cần khoảng 480 tỉ USD từ nay đến năm 2020 để phát triển hạ tầng, trong đó có 11 nhà máy điện với tổng công suất 13.200 megawatt, và khoảng 1.380 km đường cao tốc. Chỉ vừa tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh kế hoạch thu hút thêm vốn đầu tư cho hạ tầng, vì ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu tài chính.

Ông Rana Hasan, giám đốc phụ trách phát triển kinh tế của ADB cho biết, tỉ lệ đầu tư tư nhân vào chi phí hạ tầng ở Việt Nam có thể dưới mức 10%. Trong khi đó ở Ấn Độ, khu vực tư nhân đóng vai trò lớn hơn, chiếm hơn 40% tổng đầu tư cho hạ tầng trong những năm gần đây.

VÂN ANH (t/h)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/viet-nam-trong-top-dau-cuoc-dua-ha-tang-chau-a-649991.bld