“Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn”

QĐND - Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng sinh năm 1935, quê ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông nguyên là phóng viên ảnh chiến trường, Phòng Thông tấn quân sự, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Lương Nghĩa Dũng hy sinh ngày 1-5-1972 tại mặt trận Quảng Trị.

Đồng đội, bạn bè và gia đình liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng vừa hoàn thành việc xuất bản cuốn sách ảnh khổ lớn “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn”, chọn lọc 200 bức ảnh thời sự của ông chụp ở chiến trường (từ năm 1966 đến 1972), ghi lại được những khoảnh khắc chiến đấu của bộ đội, dân quân ở các trận địa miền Bắc, chiến trường miền Nam và chiến trường Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những tấm ảnh của ông ở chiến trường đã tái hiện một phần lịch sử chiến tranh giữ nước, ghi lại được hình ảnh những con người bình dị đã sống, chiến đấu và đánh giặc để bảo vệ quê hương.

Bìa cuốn sách "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn".

Ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, người cùng tổ phóng viên ảnh quân sự với liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng trong những năm tháng chiến tranh, xúc động kể:

- Tổ ảnh Quân sự Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ngày đó gồm có nhóm phóng viên ảnh quân đội biệt phái sang cùng với nhóm phóng viên ảnh TTXVN. Nhóm ảnh quân sự có Lương Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Hứa Kiểm và Đoàn Tý. Nhóm ảnh dân sự TTXVN có Văn Bảo, Lâm Hồng Long, Hữu Thứ, Phạm Hoạt, Xuân Lâm và Chu Chí Thành. Nhiệm vụ của tổ ảnh quân sự (do Văn Bảo làm tổ trưởng) là đi các mặt trận, theo sát các đơn vị bộ đội và dân quân, ghi lại những sự kiện chiến tranh diễn ra hằng ngày, gửi tin và ảnh về cho TTXVN…

Vào tháng 5-1968, ông Thành và Lương Nghĩa Dũng đạp xe đạp từ Hà Nội vào tận Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh tác nghiệp. Lúc đó, ông Thành là lính mới, còn Lương Nghĩa Dũng là tay máy kỳ cựu có nhiệm vụ kèm cặp ông Thành. Hôm đó, ông Dũng phân công ông Thành ở lại trong làng chụp ảnh hợp tác xã chăn nuôi vịt, còn Lương Dũng đi lên núi chụp dân quân giúp bộ đội làm trận địa. Buổi trưa hôm ấy máy bay địch đến giội bom vào làng, nơi ông Thành vào chốt, còn ông Dũng nằm ở vòng ngoài. Máy bay địch đến thả bom làm hầm của ông Thành bị sập, đất cát đè phủ hết người ông.

Vừa dứt đợt ném bom, ông Thành đã thấy Lương Dũng chạy theo đường giao thông hào, tìm đến tận chỗ hầm ông Thành và hỏi ông có bị thương không! Thấy ông Thành còn lành lặn, ông Dũng mới yên tâm và nói ông Thành lấy máy ảnh cùng đi chụp ảnh ngay hậu quả hiện trường sau đợt ném bom, để tố cáo tội ác của Mỹ. Tình cảm của Lương Dũng như thế, sống có trách nhiệm với đồng đội và say mê công việc của mình!

Đến giữa năm 1972, ông Thành bất ngờ nhận được tin Lương Nghĩa Dũng, trong đợt bám theo một đơn vị xe tăng tiến công truy kích địch, đã hy sinh anh dũng cùng với đồng đội trong chiếc xe tăng ở tư thế tiến công.

Ông Thành cho biết, Lương Dũng là một nhà báo, phóng viên ảnh chiến trường xông xáo, nhanh nhẹn và người chụp được nhiều ảnh tư liệu chiến tranh dữ dội nhất. Những tấm ảnh của Lương Nghĩa Dũng được chụp ngay tại chiến hào trận địa, nơi người lính trực tiếp đối đầu với giặc, có giá trị đặc biệt về lịch sử. Ông đã ghi lại được sự kiện thời sự trung thực, rõ nét và cụ thể nhất về cuộc chiến đấu gian khổ, dũng cảm và sự hy sinh oanh liệt của những người lính trong cuộc kháng chiến đánh giặc giữ nước.

Lương Nghĩa Dũng là người lính chép sử đất nước bằng ống kính. Ông phát hiện và chụp được những góc độ nhiếp ảnh mang lại hiệu quả bất ngờ, để lại những hình ảnh có giá trị tư liệu về lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cuốn sách “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn” lần này có 9 chương, bài viết và ghi chú thích ảnh tiếng Việt và tiếng Anh, gồm: Vào lửa (Hình ảnh chống chiến tranh phá hoại không quân Mỹ ở miền Bắc), Trên nẻo đường Trường Sơn, Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Mặt trận Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, Mường Xủi (Lào), Giải phóng Quảng Trị-Xuân hè 1972 và những bài viết của đồng nghiệp và gia đình liệt sĩ. Nhiều bức ảnh thời sự của ông như: Bộ đội Pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô; Pháo cao xạ Hải Phòng đánh trả máy bay Mỹ; Tên lửa ta hạ máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội; Bộ đội Phòng không đảo Cồn Cỏ; Những cô gái giữ biển, giữ làng… đã mang lại nhiều cảm xúc, niềm tự hào và cảm phục cho người xem.

Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật (năm 2007) với tác phẩm ảnh “Đấu pháo ở Dốc Miếu” (chụp năm 1968).

Hoàng Nam

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/52/52/197217/Default.aspx