Việt Nam trở thành tâm bão đầu tư thế giới nhờ Brexit?

Các nhà đầu tư thế giới đang quay lưng với châu Âu và hướng về Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Các nhà đầu tư thế giới đang chuyển hướng tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Thông tin trên Báo Tổ quốc cho hay, một khảo sát của công ty Ernst & Young mới công bố gần đây cho thấy, lần đầu tiên kể từ năm 2009, nước Anh không còn nằm trong số năm quốc gia thu hút đầu tư nhiều nhất thế giới.

Nguyên nhân của điều này được cho là sự bất ổn của đồng bảng Anh từ sau sự kiện Brexit. Tổng giá trị những thương vụ M&A liên quan đến các công ty Anh quốc trong năm 2016 là 208 tỷ USD, giảm 55% so với năm ngoái.

Các quốc gia phát triển khác cũng đang gặp phải sự sụt giảm trong đầu tư. “Đầu tầu” của nền kinh tế châu EU, nước Đức giữ vị trí thứ 3 trong danh sách các quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất toàn cầu – đứng sau Trung Quốc.

Nhóm các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) trước đây từng nằm trong nhóm các địa điểm thu hút đầu tư nhiều nhất – giờ đây cũng không còn quá được “săn đón”. Trung Quốc vốn giữ vị trí “độc tôn” trong những năm gần đây, nhưng đã phải thoái vị do những suy thoái trong nền kinh tế.

Chín tháng đầu năm 2016, lượng FDI đổ vào Ấn Độ đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. “Hiện tại, các nhà đầu tư đang tỏ ra e ngại trước thị trường châu Âu và toàn cầu… Kết quả là, họ đã chuyển hướng chú ý sang Đông Nam Á,” Yan Ryazantsev, một giám đốc đầu tư cho biết.

Indonesia, Myanmar và Việt Nam hiện đang đứng trước viễn cảnh bùng nổ làn sóng đầu tư. Thông tin của Ernst & Young tiết lộ, năm 2015, đầu tư vào 3 quốc gia này đạt 75 tỷ USD, trong đó 15,5 tỷ USD đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc và 12,3 tỷ USD đến từ các nhà đầu tư Singapore.

Trước khi sự kiện Brexit diễn ra, nhiều chuyên gia thế giới đã đưa ra những dự báo về tình hình kinh tế tác động Châu Âu cũng như Việt Nam, thông tin này được phản ánh trên VnExpress

Tiến sĩ Enrico Fels, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Bonn cho rằng "Khó xác định các hệ quả với quan hệ Anh với Việt Nam nếu như Anh không còn là thành viên của EU. Về thương mại song phương, Anh và Việt Nam chỉ có hợp tác quy mô nhỏ khoảng 5,4 tỷ USD năm ngoái, gần bằng lượng Đức nhập khẩu từ Anh riêng trong tháng 4 năm nay", ông Fels nhận định.

Việt Nam cũng có thặng dư thương mại lớn với Anh trong thời gian dài, khoảng 4,8 tỷ USD trong năm ngoái. Việc giảm giá đồng Bảng Anh sẽ khiến các sản phẩm của Việt Nam đắt đỏ hơn ở Anh, trong khi sản phẩm của Anh lại có lợi thế trên thị trường toàn cầu.

Tác động lớn nhất có thể là London sẽ không được hưởng lợi từ Hiệp định tự do thương mại (FTA) mới đạt được giữa EU với Việt Nam. Khi cả Việt Nam và Anh đều là thành viên WTO hai nước sẽ không phải chịu thuế quá cao. Có thể Anh sẽ bắt đầu thương lượng thương mại với Việt Nam và các nước khác càng sớm càng tốt khi nước này thực sự rời khỏi EU. Việt Nam có thể thực sự hưởng lợi từ tình hình này và đạt được vị thế tốt với chính phủ tương lai của Anh, nếu là nước đầu tiên hoàn tất FTA với Anh sau Brexit. Quan hệ thương mại ổn định hiện đều mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Về phương diện EU với Việt Nam, ông Fels cho rằng thách thức chủ yếu là sự không chắc chắn. EU hiện phải chấp thuận cuộc trưng cầu Brexit, các lãnh đạo phải quyết định cách tốt nhất để thực hiện bước tiếp theo. Sự không chắc chắn về mặt chính trị này, cùng với thực tế Anh là nền kinh tế lớn thứ hai của EU có thể rời đi sẽ ảnh hưởng tới kinh tế các nước thành viên, có thể tác động đến quan hệ thương mại với các nước ngoài khối như Việt Nam.

Hoàng Hà (Tổng hợp)

Xem thêm:

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/viet-nam-tro-thanh-tam-bao-dau-tu-the-gioi-nho-brexit-a166871.html