Việt Nam tìm kiếm cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Theo Trưởng ban Kinh tế TW, TSKH. Nguyễn Văn Bình, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tuy nhiên việc tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 chính là cơ hội để Việt Nam đạt được mục tiêu đó…

Cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ thay đổi cơ bản cách thức làm việc từ trước tới nay…

Vấn đề được đề cập tại Hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển” do Ban Kinh tế TW, Tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày hôm qua 25/11.

“Cơ hội đổi đời…”

Theo GS.Mike Gregogy, nguyên Trưởng Bộ môn chế tạo và quản lý, Đại học Cambridge, nguyên Giám đốc điều hành Viện Cambridge, từ trước đến nay, nói đến ngành công nghiệp, người ta nghĩ ngay đến công xưởng lớn, tập trung nhưng đến nay, với cuộc CMCN lần thứ 4, khái niệm đã thay đổi. Người ta không cần có nhà xưởng, máy móc cũng có thể làm ra sản phẩm…

“Nhiều nghiên cứu đã cho rằng, cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện trên các khía cạnh chủ yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia như về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động…Trên phạm vi toàn cầu, có ý kiến cho rằng cuộc CMCN lần thứ 4 đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo…”- Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình phát biểu.

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đánh giá: “Cuộc CMCN lần thứ 4 mang tên “cách mạng số” đang diễn ra rất nhanh và làm thay đổi toàn diện diện mạo, tư duy người chủ - người làm thuê, cũng như cách thức làm việc trước đây của con người…”. Theo ông Bình, trong cuộc cách mạng này, tốc độ thích ứng với cuộc cách mạng số sẽ là yếu tố then chốt.

“Theo khảo sát mới đây về sự phát triển kinh tế số của Mỹ, Việt Nam được xếp vào nhóm “đột phá” có cơ hội lớn để trở nên nổi bật về kinh tế số trong tương lai. Đó là cơ hội thay đổi vị thế đất nước cũng như vị thế của ngành công nghiệp công nghệ thông tin…”- Chủ tịch FPT quả quyết.

Làm gì để nắm bắt cơ hội?

Theo đại diện Bộ KH&CN, Việt Nam cần tận dụng những sức mạnh sẵn có và nắm bắt cơ hội để tham gia vào cuộc CMCN lần thứ 4. Để làm được điều này, cần hình thành một tầm nhìn toàn diện và thống nhất mang tính toàn cầu về cách thức công nghệ tác động tới cuộc sống cũng như định hình lại môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người Việt Nam.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức của cuộc CMCN lần thứ 4, cần thúc đẩy chính sách tạo ra những “vườn ươm công nghệ”, khuyến khích khởi nghiệp, thay đổi toàn diện giáo dục và đào tạo để Việt Nam có một nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo và có dũng khi chấp nhận mạo hiểm khi tham gia vào cuộc cách mạng này và ứng dụng nhanh nhất những thành tựu mà cuộc cách mạnh số tạo ra để nâng cao đột suất, đột biến cho nền kinh tế…

TS Nguyễn Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phân tích khá sâu sắc các tác động tích cực cũng như bất lợi của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với từng ngành, từng lĩnh vưc của Việt Nam và đưa ra 7 khuyến nghị về chính sách cho từng ngành, lĩnh vực như: Cần tăng cường nâng cao nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách cũng như DN (nhất là đối với các DN trong ngành năng lượng, khai thác tài nguyên, công nghiệp chế tạo do các ngành này có khả năng chịu nhiều tác động) và khu vực ngân hàng về cuộc CMCN lần thứ 4 để giúp điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư nhằm tránh các khoản đầu tư sai, qua đó giúp ngăn ngừa các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai;

Cần có những thay đổi căn bản trong điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt và mang tính thị trường hơn, tránh để đồng tiền Việt Nam bị định giá cao, qua đó giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của các DN trong ngành chế tạo, ngành được dự báo sẽ chịu nhiều sức ép điều chỉnh lớn khi người máy và tự động hóa đang trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới; trong bối cảnh dư địa tài khóa hạn hẹp do nợ công đã ở mức cao, cần xem xét việc đánh thuế tài sản để có thêm nguồn ngân sách dành cho an sinh xã hội, đặc biệt là dùng để hỗ trợ lao động có thể bị mất việc trong các ngành chịu tác động bởi cuộc CMCN làn thứ 4;

Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực hiện chính sách công nghiệp phù hợp để tăng cường mối liên kết chặt chẽ hơn khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI…

Về phía DN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, Tô Hoài Nam cho rằng cuộc CMCN lần thứ 4 đã đặt DNNVV Việt Nam trước rất nhiều thách thức, đòi hỏi cần khẩn trương xây dựng một số chính sách trọng tâm như: Hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho DNNVV để phát huy sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ phát triển, bảo vệ tài sản trí tuệ, phát triển; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, quản trị DN hiện đại...

Sau Hội thảo này, Ban Kinh tế TW sẽ tập hợp các ý kiến để đề xuất chủ trương, đường lối ban hành các chính sách phát triển cho các lĩnh vực trong thời gian tới của Việt Nam…

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/viet-nam-tim-kiem-co-hoi-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-307147.html