Việt Nam: Thị trường bán lẻ hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài

BizLIVE - Số các công ty nước ngoài trên thị trường bán lẻ Việt Nam đang tăng lên, hiện chiếm khoảng 40% trên tổng số 700 siêu thị và trung tâm thương mại khắp cả nước, truyền thông địa phương đưa tin ngày hôm qua 17/1.

Siêu thị Big C.

Thị trường hàng hóa Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 14%/năm trong giai đoạn 2014 – 2015, các công ty nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục thống trị thị trường nội địa, báo Vietnam News trích dẫn nguồn tin từ báo cáo của Bộ Công thương.

Vietnam là một thị trường bán lẻ đang phát triển với dân số trên 90 triệu dân, và vì thu nhập bình quân của người Việt Nam đang tăng lên, nên nhu cầu tiêu dùng cũng tăng lên.

Theo dự báo, năm 2015, tổng doanh thu bán lẻ của các kênh phân phối hiện đại sẽ tăng tới 40%, trong khi các kênh truyền thống vẫn chiếm phần lớn (60%), Bộ Công thương nói.

Nhưng trong những năm gần đây, những tên tuổi nước ngoài mới gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam như Lotte Mart, Aeon, Parkson và Big C,đã chứng tỏ Việt Nam là môt thị trường bán lẻ hấp dẫn.

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc, Lotte Mart, đã mở 4 trung tâm thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh và dự định sẽ có 60 cửa hàng trên khắp đất nước từ nay tới 2020.

Aeon, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, đã mở chi nhánh đầu tiên của mình ở Việt Nam vào giữa tháng 1/2014 tại trung tâm Tân Phú Celadon Mall ở thành phố Hồ Chí Minh. Chi nhánh thứ 2 tại Bình Dương Canary Mall, dự kiến sẽ khai trương vào tháng 10 năm nay.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ lâu đời của Malaysia, Parkson, gần đây đã mở cửa hàng thứ 9 của mình tại Việt Nam. Cùng với cac cửa hàng hiện tại ở TP. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, và thành phố cảng Hải Phòng, Tập đoàn này còn dự định mở thêm từ 2 – 3 cửa hàng mỗi năm, với các điểm đến tiếp theo là 2 thành phố miền Trung, Đà Nẵng và Nha Trang cũng như 2 thành phố miền Nam, Biên Hòa và Cần Thơ.

Có mặt ở Việt Nam được 15 năm, Tập đoàn Big C của Thái Lan đã có 24 siêu thị trên toàn quốc.

Việt Nam là thành viên đầy đủ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ 2007, và vào tháng 1/2015, Việt Nam sẽ cho phép các nhà bán lẻ nước ngoài đầu tư 100% số vốn để mở chi nhánh, cơ sở tại đây.

Ngoài ra, khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thuế suất nhập khẩu sẽ giảm xuống 0%, rất có lợi cho người tiêu dùng, và họ cũng có thể tiếp cận hàng hóa chất lượng cao từ Mỹ và Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, rất nhiều thách thức và khó khăn đặt ra cho các doanh nghiệp nội địa.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Việt Nam, khi TPP bắt đầu có hiệu lực, các doanh nghiệp nội sẽ phải cải thiện chất lượng sản phẩm của họ và hạ giá xuống để cạnh tranh tốt hơn, nếu không muốn để mất thị trường trong nước vào các nhà bán lẻ nước ngoài.

Một số nhà bán lẻ nội địa, như Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Fivimart và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), đã lên kế hoạch mở rộng kinh doanh, ông Phú nói.

Theo đó, vào năm 2020, Fivimart sẽ mở 30 cửa hàng mới trên khắp đất nước, còn Saigon Coop Mart, cùng với một đối tác Singapore,sẽ xây một chuỗi 15 siêu trung tâm thương mại, có tên gọi Co.opXtra Plus, mô hình vốn đã được xây dựng lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào 2013.

Theo Xinhuanet

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thuong-truong/viet-nam-thi-truong-ban-le-hap-dan-voi-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-75338.html