Việt Nam sẽ mất 5,7% GDP do nhiệt độ toàn cầu tăng

Theo dự báo mới nhất của các nhà khoa học, Việt Nam sẽ nằm trong số các nước phải hứng chịu tổn thất GPD khá lớn, lên tới 5,7% tính tới năm 2030 do nhiệt độ toàn cầu gia tăng.

Một người lao động Trung Quốc đang tranh thủ nghỉ trưa bên lề đường do trời quá nóng

Theo tạp chí QuartzEurekalert, một nghiên cứu vừa được các nhà khoa học, dẫn đầu bởi Tord Kjellstrom đến từ tổ chức Health and Environment International Trust thuộc Liên Hợp Quốc đã chỉ ra mức tổn thất GDP do nhiệt độ gia tăng tại 43 quốc gia. Kết quả được thu thập từ dữ liệu môi trường các mô hình máy tính. Theo đó, con số tổng kết được các nhà khoa học chỉ ra vượt tới 2 ngàn tỷ USD tính tới năm 2030.

Nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ gia tăng sẽ trực tiếp tác động tới lực lượng lao động, đặc biệt tại các nền kinh tế nghèo nhất thế giới. Đối với nhiều ngành nghề phải tiếp xúc với môi trường như nông nghiệp và xây dựng, tình hình được dự đoán còn khắc nghiệt hơn.

Người Việt cũng đang phải hứng chịu hậu quả từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường

Theo Quartz, Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến sẽ mất 450 tỷ USD tính trên tổng thu nhập tới năm 2030. Tuy nhiên mức sụt giảm GDP của hai nền kinh tế mới nổi này không quá lớn. Ấn Độ mất 3,2% GDP trong khi Trung Quốc chỉ mất 0,8%.

Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản và Anh Quốc không bị ảnh hưởng nhiều bởi áp lực nhiệt độ gia tăng. Đặc biệt đối với Mỹ, chỉ số GDP gần như chỉ sụt giảm 0,2%. Riêng tại Đông Nam Á, Việt Nam phải hứng chịu mức tổn thất lên tới 5,7% cùng với Campuchia.

Việt Nam xếp trong số các quốc gia phải hứng chịu nhiều tổn hại về kinh tế

Xếp cao nhất trong danh sách là quốc gia Châu Phi, Ghana với mức tổn thật lên tới 6,5% GDP. Hai quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan và Malaysia cùng chia nhau mức suy giảm 6% GDP.

Chia sẻ với tờ Bloomberg, Kjellstrom cho rằng, chỉ có Châu Á và Châu Phi là hai lục địa phải gánh chịu nhiều nhất tác động của vấn đề gia tăng nhiệt độ. Tại khu vực Đông Nam Á, tổng số giờ làm sẽ bị cắt giảm từ 15-20% do nhiệt độ cao. Thậm chí, con số này còn có thể tăng gấp đôi tính tới năm 2050 nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn tiếp tục. Điều này gần như tác động rất lớn tới năng suất lao động tại các quốc gia đang phát triển.

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, việc chuyển lịch làm việc để tránh nhiệt độ cao hay gia tăng nhu cầu sử dụng điều hòa vô tình khiến chi phí cho mỗi quốc gia tăng lên đáng kể. Ví dụ như TP. Bangkok, Thái Lan cần sản lượng điện tăng ít nhất 2.000 MW để chống lại mức nhiệt độ tăng thêm 1 độ C.

Các quốc gia đang phát triển gặp phải tình thế khó càng thêm khó

Hồi tháng 12/2015, hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đặt bút ký vào bản thỏa thuận trong khuôn khổ COP 21 (Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu) nhằm kiềm chế nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống thấp hơn 2 độ C và tham vọng giảm xuống 1,5 độ C trước cuối thế kỷ này.

Bản thỏa thuận cũng thông qua gói trợ cấp 100 tỷ USD/năm bắt đầu từ năm 2020 của các nước phát triển nhằm trợ cấp cho các nước đang phát triển trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, các nước lớn trong đó có Trung Quốc hiện vẫn chưa đặt bút ký vào bản thỏa thuận lịch sử của nhân loại do lo ngại vấn đề trách nhiệm.

Tính trong giai đoạn 1980 - 2012, có khoảng 2,1 triệu người trên thế giới đã chết do ảnh hưởng của khoảng 21.00 vụ thiên tai. Tổng thiệt hại được khẳng định vượt trên 4.000 tỷ USD, tương đương quy mô GDP của Đức hiện tại.

Được biết, nghiên cứu trên đã được đăng tải trên Tạp chí Y tế công cộng Châu Á - Thái Bình Dương mới đây.

Mai Huyền

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/1892466/viet-nam-se-mat-5-7-gdp-do-nhiet-do-toan-cau-tang