Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Hàn Quốc: Những mối lo

Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam kéo theo nhu cầu lớn về máy móc, linh kiện... Nếu không kiểm soát tốt, có nguy cơ chuyển giá.

Việt Nam không nhận được bao nhiêu

Lần đầu tiên, Hàn Quốc vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với hơn 9,3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2017.

Trước đó, năm 2008, Việt Nam đã nhập siêu từ Hàn Quốc 6,27 tỷ USD. Con số này tăng lên 8,46 tỷ USD trong năm 2011 và năm ngoái là 20,6 tỷ USD.

Như vậy, có thể thấy nhập siêu từ Hàn Quốc đang tăng lên với tốc độ rất nhanh.

Đánh giá về những con số này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho biết, trong quan hệ thương mại, nhập siêu luôn đáng lo, kể cả nhập siêu máy móc, thiết bị, nguyên liệu hay nhập siêu hàng tiêu dùng.

Cụ thể, khi nhập siêu, cán cân thương mại giữa hai quốc gia có chiều hướng xấu và quốc gia nhập siêu phải xuất ngoại tệ để bù đắp các khoản nhập siêu đó.

Sản xuất tại Công ty Doosan Vina. Ảnh: Báo Đầu tư

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhập siêu máy móc, thiết bị thì có thể chấp nhận được vì đó là loại hàng hóa tạo ra năng lực sản xuất hay sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt nếu là hàng hóa xuất khẩu thì rất tốt.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý một số điều trong quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo đó, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực và đây là cơ sở doanh nghiệp Việt đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Hàn Quốc khi nhiều dòng thuế được cắt giảm.

Điều đó cũng thúc đẩy doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy thương mại hai chiều tăng trưởng nhanh chóng. Tới tháng 4/2017, con số lũy kế đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là trên 54 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Làn sóng đầu tư mạnh mẽ này kéo theo nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, khiến kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh, nhập siêu cũng theo đó mà tăng lên.

"Nó cũng nói lên rằng, doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam hoạt động không hiệu quả và chưa đáp ứng, chưa tham gia được vào chuỗi dây chuyền sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc.

Vì thế, doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện, thiết bị phụ trợ, nguyên vật liệu cho các nhà máy họ đã đầu tư ở Việt Nam.

Với việc mở rộng hoạt động quan hệ với Hàn Quốc, Việt Nam phải chấp nhận điều này. Tất nhiên hàng hóa, thiết bị, máy móc nhập từ Hàn Quốc sẽ cao hơn vì giá lao động ở Hàn Quốc đắt hơn, cộng với chi phí vận chuyển và các yếu tố khác", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra một sự thật buồn rằng, với việc nhập khẩu này, cái Việt Nam nhận được không được bao nhiêu.

Ông dẫn trường hợp Samsung làm ví dụ. Thời gian qua, tập đoàn Samsung liên tục đầu tư mở nhiều nhà máy tại Việt Nam chuyên sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị điện tử thông minh, điện gia dụng...

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Samsung tại Việt Nam đạt gần 40 tỷ USD, chiếm tới hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, để chiếm tỷ trọng cao như trên trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Samsung cần nhập khẩu một lượng lớn máy móc, thiết bị, nguyên liệu, linh phụ kiện đầu vào từ nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc. Khi ấy, phần giá trị gia tăng tại Việt Nam rất thấp.

Chuyện tương tự cũng xảy ra với các doanh nghiệp FDI khác và điều đáng lo là nhà đầu tư ngoại có thể chuyển giá từ việc nhập khẩu các nguyên liệu, linh phụ kiện từ nước ngoài.

"Họ có thể tăng giá, làm cho lợi nhuận của họ ở Việt Nam thấp đi, từ đó đỡ phải đóng thuế ở Việt Nam.

Nếu Việt Nam không kiểm soát tốt, doanh nghiệp Việt không tự vươn lên thành mắt xích trong dây chuyền cung ứng thì chgng ta sẽ bị thiệt đơn thiệt kép", PGS Thịnh lo ngại.

Điều tích cực của việc này, theo vị chuyên gia, nó chính là lực đẩy buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tham gia vào quá trình hội nhập, nâng dần mức độ nội địa hóa để trở thành mắt xích trong dây chuyền sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp FDI nói chung. Từ đó gia tăng phần giá trị được tạo ra tại Việt Nam.

Mặt khác, nhập siêu từ Hàn Quốc vẫn tốt hơn nhập siêu từ Trung Quốc, Thái Lan hay Malaysia bởi Hàn Quốc là một thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nên hàng hóa hơn hẳn về chất lượng, công nghệ, độ an toàn...

Làm sao để doanh nghiệp Việt lớn lên?

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, FTA Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực đã tạo điều kiện lớn cho doanh nghiệp Việt, quan trọng là doanh nghiệp Việt có tự nhận thức được điều này để vươn lên hay không.

Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng mở rộng được thị trường sang Hàn Quốc, mua bán máy móc, thiết bị tương đối hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, trở thành vệ tinh của các doanh nghiệp FDI, từ đó nâng cao giá trị của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Ông nhấn mạnh, phía Nhà nước phải tổ chức tuyên truyền, làm doanh nghiệp hiểu được lợi ích và ý nghĩa việc mở rộng quan hệ với Hàn Quốc, đặc biệt chú trọng đến việc mua sắm thiết bị công nghệ Hàn Quốc, sản xuất những linh kiện, thiết bị thay thế sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tốt nhất.

Tổ chức và giúp đỡ các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc để doanh nghiệp hai nước có mối liên kết, tin tưởng nhất định để chuyển giao công nghệ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/viet-nam-nhap-sieu-lon-nhat-tu-han-quoc-nhung-moi-lo-3336152/