Việt Nam nghiên cứu thành công thiết bị giám sát nguồn phóng xạ

Sản phẩm quản lý và giám sát nguồn phóng xạ di động của Trường đại học Bách khoa Hà Nội giúp người dùng giám sát từ xa nhanh nhất về vị trí cũng như trạng thái hoạt động của nguồn phóng xạ. Việc giám sát có thể thực hiện qua Internet hoặc điện thoại thông minh.

Theo Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), mức độ nguy hại hay rủi ro cho con người do nguồn phóng xạ gây ra rất khác nhau tùy thuộc vào loại hạt nhân phóng xạ, dạng vật lý, hóa học và hoạt độ của nguồn phóng xạ. Với các nguồn phóng xạ dạng khí, dạng lỏng và dạng bột nếu không được quản lý tốt về mặt an toàn và an ninh có nguy cơ khiến con người hít phải, ăn phải, uống phải sẽ dẫn đến bị chiếu xạ bên trong cơ thể rất nguy hiểm.

Nói chung, các nguồn phóng xạ có hoạt độ cao nếu không được quản lý tốt về an toàn và an ninh có thể gây ra các hiệu ứng nguy hại cho con người trong thời gian ngắn, trong khi các nguồn phóng xạ có hoạt độ thấp thì không thể gây ra chiếu xạ có hậu quả độc hại cho con người.

Nhận được sự đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ từ tháng 10.2014, sau 2 năm nghiên cứu và thực hiện, nhóm thực hiện đề tài "Nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa các nguồn phóng xạ theo thời gian thực" của Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã tạo ra sản phẩm hệ thống quản lý và giám sát nguồn phóng xạ di động (BKRAD).

Theo TS Trần Quang Vinh (chủ nhiệm đề tài), BKRAD được tích hợp nhiều công nghệ về định vị, truyền thông và cảm biến tiên tiến giúp giám sát liên tục các nguồn phóng xạ trong các điều kiện môi trường khác nhau. Thiết bị có kết cấu cơ khí chống bụi, nước, va đập mạnh. Pin được sạc có thể sử dụng trong 7 ngày, mỗi ngày khoảng 8 - 10 tiếng.

Ưu điểm của sản phẩm chính là chức năng cảm biến - truyền thông - cảnh báo hoàn toàn có thể giúp người dùng giám sát từ xa một cách nhanh nhất về vị trí cũng như trạng thái hoạt động của nguồn phóng xạ. Việc giám sát có thể thực hiện qua Internet hoặc điện thoại thông minh. Đặc biệt, sản phẩm còn giúp tìm kiếm nguồn phóng xạ bị đánh cắp hoặc thất lạc.

Với những ưu điểm kể trên nhưng thiết bị do Đại học Bách Khoa tạo ra có giá chỉ hơn 30 triệu đồng, bằng một nửa so với sản phẩm có tính năng tương đương từ nước ngoài.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/viet-nam-nghien-cuu-thanh-cong-thiet-bi-giam-sat-nguon-phong-xa-44375.html