Việt Nam nằm trong top 3 các nước có lượng lớn thủy sản XK bị trả về

Việt Nam hiện đang nằm trong số 3 quốc gia có số lượng hàng thủy sản bị trả về nhiều nhất tại các thị trường lớn như: Mỹ, Úc, Nhật, EU… do hàng bị nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc thú y vượt ngưỡng, chứa chất gây ô nhiễm,…

Thủy sản bị nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc thú y vượt ngưỡng, chứa chất gây ô nhiễm,…là những nguyên nhân khiến các lô hàng của Việt Nam xuất khẩu bị trả về. (Ảnh:Internet)

Tại diễn đàn “An toàn thực phẩm: Câu hỏi về sự phối hợp và tin tưởng lẫn nhau”, bà Hoàng Mai Vân Anh, đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc cho biết, hiện Việt Nam đang nằm trong top 3 các nước các số lượng lô hàng bị trả lại nhiều nhất ở 4 thị trường vốn được xem là truyền thống của Việt Nam như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, EU.

Trong đó, tại EU, Việt Nam có 11,6% số lô hàng xuất khẩu bị trả về, tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia… Tại Mỹ, Việt Nam đứng thứ 2 sau Trung Quốc, với tỷ lệ 14,2%.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ này nhảy vọt lên tới 27,5%, chỉ đứng sau Trung Quốc. Còn tại Úc là 11,5%. Tính chung, mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại khoảng 14 triệu USD vì những lô hàng bị trả về này.

Nguyên nhân khiến số hàng thủy sản của Việt Nam bị trả về ngày càng tăng là do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như chứa chất gây ô nhiễm, nhiễm vi sinh, kháng sinh vượt quá ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu.

Điều tra của Tổng cục Thủy sản và Cục Thú y Việt Nam cho thấy, việc sử dụng quá nhiều loại thuốc kháng sinh và hoạt chất bảo vệ thực vật cũng như sử dụng không đúng quy cách, liều lượng đã gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc, tích tụ dư lượng thuốc kháng sinh trong sản phẩm thủy sản gây bệnh cho người như ung thư, rối loạn chức năng sinh sản, ảnh hưởng tới môi trường, làm ảnh hưởng tới hình ảnh nông sản Việt Nam khiến một số quốc gia tạm ngừng nhập khẩu. Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thú y thủy sản còn thiếu cán bộ chuyên môn và trang thiết bị.

Với điều kiện sản xuất manh mún, người nông dân vẫn quan tâm nhiều đến lợi nhuận và chưa có sự liên kết với nhau nên khó khăn trong việc áp dụng công nghệ. Doanh nghiệp lại ngại đầu tư hoặc đầu tư không đồng bộ nên thiếu chuỗi thực phẩm an toàn.

Hiện nay có khoảng 5.000 – 6.000 loại thuốc, hóa chất phòng trị bệnh, xử lý môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản được quảng cáo bày bán tràn lan trên thị trường gây nhầm lẫn cho bà con nông dân và khó khăn cho các cơ quan quản lý.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng việc chung tay góp sức của 4 nhà: nhà nông – doanh nghiệp – nhà nước – nhà khoa học, đặc biệt là phải có vai trò của người tiêu dùng luôn được đặt lên hàng đầu và thắt chặt hơn nữa. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại hệ thống quản lý và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm hiện hành theo chuỗi thống nhất toàn quốc. Các doanh nghiệp đóng vai trò kết nối, hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất và phân phối sản phẩm đầu ra.

T.Tân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/viet-nam-nam-trong-top-3-cac-nuoc-co-luong-thuy-san-xk-bi-tra-ve/