Việt Nam lần đầu tiên phát hiện trẻ nghi mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận 1 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ.

Theo báo Lao động, ngay sau khi nhận được báo có, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra, lấy mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm virus Zika, hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang phối hợp với phòng xét nghiệm của Đại học Nagasaki Nhật Bản tiến hành các xét nghiệm virus học.

Việt Nam lần đầu tiên phát hiện trẻ nghi mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika

Theo báo Vietnamnet, người mẹ 23 tuổi sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có sốt phát ban ở tháng 3 và thứ 6 của thai kỳ. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy cả 2 mẹ con từng nhiễm Zika. Khu vực gia đình sinh sống có dịch sốt xuất huyết diễn biến nghiêm trọng.

Bộ Y tế đã nâng cấp độ cảnh báo do virus Zika tại Việt Nam lên cấp độ 3.

Trước đó, dịch bệnh do virus Zika đã lưu hành tại Việt Nam, tại Nha Trang đã phát hiện hơn 50 cá thể muỗi nhiễm Zika.

Đến 17/10, ghi nhận 7 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và TP.HCM.

Bà bầu có được ăn bơ không?

Virus Zika được cho là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường, não phát triển lệch lạc hoặc không phát triển dẫn khuyết tật về trí tuệ, vận động và ngôn ngữ. Virus Zika truyền qua muỗi, có thể lây qua đường máu giữa người với người song không phổ biến; truyền từ mẹ sang con khi sinh nhưng không lây qua sữa mẹ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, bệnh còn lây qua quan hệ tình dục và đàn ông cũng có thể mắc bệnh.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế (Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh - EOC) đã nâng mức cảnh báo và đáp ứng hoạt động của Văn phòng EOC và khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số nội dung như:

- Phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

- Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.

- Chủ động phòng chống dịch bệnh một cách tích cực, tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các hộ gia đình; kiểm tra, loại bỏ vật phế thải không để muỗi sinh sản và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

An Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tin-nhanh/viet-nam-phat-hien-tre-nghi-mac-chung-dau-nho-do-virus-zika-d101573.html