Việt Nam làm thế nào để phát triển trong thế hợp tác đa phương?

Hội nhập đa phương, lợi thế cạnh tranh, điểm đến hấp dẫn... là những mỹ từ dành cho Việt Nam. Nhưng làm sao để tận dụng những cơ hội này phát triển kinh tế lại là vấn đề nỗ lực của Việt Nam.

Tại hội thảo “Chiến lược tài chính thúc đẩy tăng trưởng ” do CFO Việt Nam tổ chức và BizLVIVE bảo trợ thông tin diễn ra tại TP.HCM, các diễn giả cho rằng về trung hạn tăng trưởng của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có những cải cách mạnh trong nền kinh tế và vấn đề nữa của Việt Nam là làm sao thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, có nhiều hiểu khác nhau về “bẫy thu nhập trung bình”. Việt Nam năm 2010 thu nhập bình quân đầu người là 1.800 USD, thuộc dạng thu nhập trung bình thấp. Khi đạt được mức thu nhập tăng lên thì tăng trưởng kinh tế giảm đi. Chẳng hạn, khi Malaysia đạt được mức trung bình cao và mãi ở mức này, chỉ có Hàn Quốc đã vượt lên và ở mức thu nhập cao. Những nước rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” từ mức 1.800 – 10.000 USD/người/năm là do chất lượng quản trị Nhà nước hầu như không được cải thiện, đây là yếu tố làm cho tăng trưởng chậm lại. Mọi người trong xã hội dường như thỏa mãn với tình hình hiện tại và không có ý muốn thay đổi tốt hơn (không phải do tham nhũng…)

Việt Nam đã xử lý những tình huống về rủi ro chính sách công rất thành công trong quá khứ. Chẳng hạn, vấn đề tỷ giá năm 2008-2009, vấn đề thanh khoản ngân hàng năm 2011. Hiện nay là vấn đề thâm hụt ngân sách đang được đưa về từ mức 6% GDP xuống còn 3% GDP vào năm 2020. Nếu Chính phủ thực sự cải cách mạnh mẽ thì những vấn đề hiện tại của Việt Nam sẽ không còn lớn và sẽ phát huy được tiềm năng để tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Còn ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cho biết trong 01 năm trở lại đây, môi trường kinh doanh có dấu hiệu tốt lên từ phía các cơ quan Chính phủ. Nhưng thực sự tác động của các chính sách và mong muốn của Chính phủ vào thực tiễn khá chậm chạp. Tất cả các yếu tố về kinh tế, động thái về nhiều mặt đều ảnh hưởng đến suy nghĩ, cân nhắc, tính toán của doanh nghiệp.

Về quản trị doanh nghiệp Việt Nam, đây là câu chuyện dài, bao gồm tài chính, nhân sự. Việt Nam đang ở vị trí rất thấp trong quản trị doanh nghiệp trong khu vực. Năm 2014 – 2015, các nước ASEAN công bố bộ chỉ số về quản trị các doanh nghiệp lớn trong khu vực (có 179 tiêu chính), điểm bình quân của doanh nghiệp Việt Nam thấp nhất chỉ hơn 30 điểm, trong khi các nước khác có điểm bình quân là 50-60 điểm. Mặc dù ở các công ty đại chúng với sức ép của các quy định từ phía Nhà nước thì việc công bố thông tin hoạt động kinh doanh của Hội đồng quản trị có minh bạch hơn nhưng không phải tự nguyện, từ nhu cầu doanh nghiệp mà hầu như là để đối phó. Điều này cần cải thiện gấp rút để doanh nghiệp có thể hội nhập hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Teng Theng Dar, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn APEC, Singapore, cho rằng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam rất tốt. Thí dụ, tôi làm việc trong APEC và 8 năm trở lại đây chúng tôi hay trao đổi với các quốc gia về tác động của gia nhập WTO và lợi ích vào TPP, nhưng Việt Nam vẫn tích cực tham gia cho thấy tinh thần rất tốt và Việt Nam đang là điểm đến rất nóng.

Trong quá khứ có thời điểm Việt Nam nóng quá, lạm phát rất cao, đầu tư nước ngoài rất cao... và Việt Nam đã giải quyết vấn đề của mình. Cũng như Singapore đã từng có bong bóng bất động sản rất lớn và Chỉnh phủ đã phải 3 lần tham gia tác động để giảm nhiệt thị trường này dù lần 1 không thành công.

Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào Việt Nam là dòng tiền và tỷ suất sinh lợi khi đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam cần phải nắm bắt cơ hội của mình.

Lan Anh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/viet-nam-lam-the-nao-de-phat-trien-trong-the-hop-tac-da-phuong-2168840.html