Việt Nam không đưa nợ DNNN vào nợ công vì... ngại?

Người ta có thể sợ rằng khi đưa nợ DNNN vào nợ công sẽ đẩy nợ công lên quá cao, ảnh hưởng đến uy tín, khả năng vay nợ của Chính phủ.

Khác với chuẩn mực chung của thế giới

Nhiều nhà kinh tế thời gian qua cho rằng cần phải đưa nợ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào nợ công để tính đủ, tính đúng nợ công bởi trên thực tế, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, cơ cấu nợ công của Việt Nam chỉ gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) đánh giá, Việt Nam đang đi ngược lại với chuẩn mực chung của thế giới.

Theo đó, theo cách tính chung của các quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế, nợ công gồm các khoản mục: nợ của chính quyền Trung ương (chính phủ liên bang hoặc của Nhà nước TƯ); nợ của chính quyền địa phương (bang, tỉnh, thành phố); nợ của các doanh nghiệp khu vực công; nợ do chính phủ bảo lãnh.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, nợ công chỉ bao gồm: nợ của chính quyền Trung ương, nợ của chính quyền địa phương và nợ do chính phủ bảo lãnh. Còn nợ của khu vực DNNN đẩy vào khoản nợ của các doanh nghiệp. Ở các tổ chức quốc tế và các nước có nền kinh tế thị trường phát triển không có khoản vay này mà chỉ có nợ công và nợ của khu vực tư nhân.

Nợ của khu vực công gồm các khoản nợ đề cập ở trên, còn nợ của khu vực tư nhân bao gồm tất cả các khoản nợ của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thuộc mọi hình thức, từ công ty cổ phần đến doanh nghịep tư nhân, công ty hợp danh, công ty có vốn đầu nước ngoài và các hộ gia đình, thậm chí cả các cá nhân kinh doanh cũng thuộc nợ tư nhân.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng phải đưa nợ DNNN vào nợ công. Ảnh minh họa

"Nợ doanh nghiệp ở Việt Nam không tính nợ của các hộ gia đình cũng như của các cá nhân kinh doanh. Như vậy, tính toán nợ của Việt Nam khác với tính toán nợ của các tổ chức tài chính quốc tế và các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.

Cũng vì thế, khi so sánh nợ công của Việt Nam với nợ công mà các tổ chức tài chính quốc tế tính toán thì nó không đồng mức, chuẩn mực không đồng nhất. Từ đó dẫn tới việc khi xem xét nợ công nằm để đảm bảo an toàn tài chính cho chính phủ, quốc gia không còn chính xác nữa", PGS Thịnh chỉ rõ.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng và đầy đủ hơn vào các định chế tài chính quốc tế cũng như nền kinh tế quốc tế, cần phải tuân theo chuẩn mực chung để các tổ chức tài chính quốc tế cũng như các nhà đầu tư có thể biết được sức khỏe của nền kinh tế theo chuẩn chung mà thế giới đang áp dụng. Điều đó có nghĩa là khi Việt Nam phân chia nợ công cũng phải tuân theo chuẩn mực quốc tế.

Dù vậy, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhấn mạnh, tới những điểm khác biệt của kinh tế Việt Nam so với các quốc gia khác. Theo đó, kinh tế Việt Nam đi từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường Trước đây, các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là các DNNN chứ không có doanh nghiệp tư nhân, sau đó mới dần dần phát triển các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác. Vì lẽ đó, DNNN vẫn chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong nền kinh tế Việt Nam và Nhà nước đang dần dần thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp này hoặc bán cho tư nhân...

"Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi DNNN nên Nhà nước muốn tách khoản nợ đó ra để trong quá trình thực hiện cổ phần hóa hoặc bán các doanh nghiệp này, các khoản nợ đó được các thành phần kinh tế khác chấp nhận. Vì thế, chúng ta có thể chấp nhận và thông cảm điều này trong giai đoạn chuyển hóa nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.

Nhưng bây giờ đã qua một thời gian rất lâu sang kinh tế thị trường, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, việc áp dụng chuẩn mực thế giới là rất cần thiết", ông Thịnh nói.

Vị chuyên gia nhắc lại yêu cầu phải tính đúng, tính đủ nợ công mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra và lưu ý đến mức độ tăng "khủng khiếp" của nợ công Việt Nam trong 5 năm trở lại đây. Theo đó, mỗi năm, nợ công Việt Nam tăng lên hàng chục %, việc quản lý nợ công, yêu cầu tính đúng, tính đủ, siết chặt nợ công để nền kinh tế phát triển bền vững trở thành một đòi hỏi bắt buộc và cấp thiết.

"Nếu tính đúng, tính đủ tất cả các khoản nợ công, kể cả các khoản vay nợ của DNNN, các khoản chính phủ bảo lãnh cũng như nợ của địa phương thì nợ công Việt Nam đã vượt qua mức Quốc hội đề ra từ lâu. Đây là điều nguy hiểm không chỉ với nền kinh tế Việt Nam mà với bất kỳ quốc gia nào", ông Thịnh cảnh báo.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/viet-nam-khong-dua-no-dnnn-vao-no-cong-vi-ngai-3329114/