Việt Nam dựng quy định từ chức: Cả tự trọng, liêm sỉ...

Không phải vì thiếu quy định mà quan trọng là phải có nhận thức và thực hiện cơ chế từ chức một cách khách quan, thực chất...

Bộ Nội vụ vừa được giao phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy định về từ chức của cán bộ, công chức. TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản QPPL của Bộ Tư pháp đã có bài viết thể hiện quan điểm riêng của mình về vấn đề này.

Quy định từ chức quan trọng là ở nhận thức. Ảnh minh họa

Thời điểm này, đúng là có quá nhiều chuyện làm xã hội bức xúc liên quan đến cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, không đủ tư cách để đảm nhiệm chức vụ, để thi hành công vụ. Thực tế, pháp luật về cán bộ, công chức cũng đã có quy định về các hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức có hành vi vi phạm, mức cao nhất là cách chức, buộc thôi việc.

Riêng “ Từ chức” thì đúng là chưa có quy định cụ thể cả về nội dung buộc phải “ Từ chức” lẫn thủ tục, trình tự để thực hiện. Tuy nhiên, để dựng lên một quy trình bài bản, lớp lang cả về nội dung lẫn thủ tục, trình tự quy định về việc “Từ chức”, theo tôi, phải xét từ bản chất của sự việc để xem có cần thiết hay không?

Bản chất của việc xin “Từ chức” ở chỗ cá nhân người có chức vụ, thấy mình không đủ điều kiện để tiếp tục đảm đương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì người đó xin từ chức xin thôi nhiệm vụ. Khi một người xin được “Từ”, nghĩa là người ta còn có ý thức tập thể, còn có ý thức trách nhiệm. Nếu quyết liệt, người ta sẽ tự ý bỏ việc, tự ý bỏ nhiệm sở. Quan trọng ở đây là “Từ”, chứ không phải là “Cách” hay “Bãi”. Tức là người đó, đương sự tự thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình trước cấp trên, trước tập thể đã bổ nhiệm, đã đưa mình lên, khác hẳn với “Cách” hay “Bãi”.

Từ thời xa xưa, ngay trong chế độ phong kiến, đã có hiện tượng này rồi. Tức là việc các cụ do bất mãn, do sức khỏe hay hoàn cảnh bản thân, gia đình mà đã “Cáo quan ở ẩn”, “Cáo quan về vườn” hay “Treo ấn từ quan” thì cũng không khác gì việc “Từ chức” được nói tới hiện nay. Về bản chất, chỉ là một.

Lý do “Từ” thì nhiều lắm, nhưng như đã nói, là do ý chí, mong muốn cá nhân đương sự tự thể hiện nguyện vọng với tập thể, với cấp trên được thôi, xin được“Từ” đảm nhiệm chức vụ được giao. Có thể vì lý do sức khỏe, có thể vì hoàn cảnh gia đình không thuận lợi, có thể do tự thấy không đủ trình độ, do không hợp trong “Ê kíp”, cũng có thể do bất mãn. Hoặc, có thể do sức ép của dư luận về phẩm chất, tư cách, đạo đức của anh không xứng đáng v.v.. Cá biệt, rất có thể do đã tự thấy mình đã có sai phạm, đã có vi phạm pháp luật, có nguy cơ bị lật tẩy, bị vạch mặt, chỉ tên, bị lôi ra ánh sáng mà tự tính bài “Chuồn”, rút êm, tìm cách “hạ cánh an toàn” trước cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra.

Ở đây, có vấn đề tự nhận thức, có cả Liêm sỉ, có cả lòng tự trọng và nhân cách của cá nhân con người khi quyết định xin từ chức.

Mặt khác, ở góc độ xã hội, cũng cần có điều kiện thuận lợi cho từng cá nhân tự la chọn cách ứng xử. Xã hội có Văn hóa cao, có cơ chế giám sát, phản biện tốt; xã hội có cơ chế quản lý, kiểm tra chặt chẽ, có chế độ, chính sách minh bạch, công khai, đàng hoàng. Không để hiện tượng có chức quyền gắn liền tham nhũng, Bổng lộc cao gấp nhiều lần Lương chính là lý do níu kéo, làm tha hóa con người.

Sâu xa , ở đây có cả vấn đề “Trách nhiệm chính trị”, trách nhiệm trước Đảng, đoàn thể mà mình đại diện, có trách nhiệm gìn giữ hình ảnh, gìn giữ uy tín trước người dân, trước xã hội dù chỉ là một hành vi, một lời nói phản cảm, thiếu chuẩn hay một sự việc xảy ra trong phạm vi trách nhiệm của mình làm ảnh hưởng đến Tổ chức, Đoàn thể mà mình là thành viên.

Phần lớn các lý do kể trên, khi nhận được Đơn của đương sự, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, có thể cho “Từ” ngay bằng quyết định cho “Từ chức”, có thể thuyết phục và giúp khắc phục khó khăn để đương sự tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Còn nếu đọc thấy lý do chính là để chạy tội, thoái thác trách nhiệm trước hình phạt của pháp luật về những hành vi sai trái của đương sự thì cấp trên phải có xử lý thích hợp, kịp thời. Nếu cần thiết, không cho từ chức ngay để xem xét trách nhiệm đến nơi, đến chốn chứ không thể từ chức nhẹ nhàng.

Việt Nam dựng quy định từ chức: Làm thế nào cũng khó?

Các nước trên thế giới, cơ chế “Từ chức” hoàn toàn không xa lạ, nhiều người đã biết. Nhất là ở các nước tiên tiến, có kỷ luật, kỷ cương nghiêm chuẩn, có cơ chế giám sát, phản biện tốt, công khai, khách quan, có nền “Văn hóa công vụ” tốt thì việc một công chức, một người giữ trọng trách xin từ chức là bình thường, không thể khác vì mọi cơ chế trong xã hội buộc họ phải làm vậy, ủng hộ, hỗ trợ họ làm vậy một cách thuận lợi.

Vấn đề hiện nay ở Việt Nam, theo tôi, không phải vì thiếu quy định, không phải vì thiếu thông tin, mà quan trọng là phải có nhận thức và thực hiện cơ chế từ chức một cách khách quan, thực chất trong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như chủ trương của Đảng và sự trông mong của nhân dân của xã hội.

TS Lê Hồng Sơn (nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra VPQPPL, Bộ Tư pháp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/viet-nam-dung-quy-dinh-tu-chuc-ca-tu-trong-liem-si-3324878/