Việt Nam đứng đầu châu Á về bình đẳng giới trong quản trị

Về lĩnh vực bình đẳng giới trong quản trị, Việt Nam đứng đầu châu Á. Báo cáo này cũng viết hiện có nhiều phụ nữ Việt Nam muốn khởi nghiệp.

Bản nghiên cứu thứ năm của Deloitte Global, về Phụ nữ trong quản trị: Một cái nhìn toàn cầu, đã thống kê dựa trên 7.000 công ty thuộc 64 quốc gia. Việt Nam đứng đầu châu Á với 17,6% thành viên quản trị là phụ nữ, cao hơn trung bình trên toàn thế giới (15%).

Sau Việt Nam, là Malaysia với 13,7% và Singapore với 10,2%. Thấp nhất trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc, với tỷ lệ lãnh đạo phụ nữ lần lượt là 3,5% và 4,1%, kéo trung bình của khu vực xuống 7,8%.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỉ phú USD đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: EPA)

Báo cáo kết luận tỉ lệ nữ quản trị tại châu Á vẫn rất thấp, chỉ cao hơn Mỹ Latinh. Trong khi đó, châu Âu vẫn dẫn đầu với 22,8% thành viên quản trị trong các công ty tập đoàn là phụ nữ. Chủ tịch Deloitte Việt Nam, Hà Thị Thu Thanh, được trích dẫn trong bản báo cáo rằng:

"Với những thành viên quản trị là phụ nữ, sẽ mở rộng tầm nhìn của công ty với nhiều ý tưởng và quyết định sáng tạo hơn cho sự phát triển ổn định. Thực tế, hơn 25 năm qua, sau khi Luật Doanh nghiệp đi vào thực thi, các doanh nghiệp dẫn đầu bởi phụ nữ đã gia tăng nhanh chóng và bền vững tại Việt Nam".

Hiện tại, Việt Nam có một nữ tỉ phú là Nguyễn Thị Phương Thảo, người sáng lập hãng hàng không VietJet với khối tài sản trị giá 1,7 tỉ USD, theo thống kê tháng 3/2017 của tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ.

Nhiều phụ nữ Việt Nam có ý tưởng muốn khởi nghiệp (Ảnh: EPA)

Trước đó, vào tháng Tư, một báo cáo của Mastercard xếp hạng Việt Nam trong top 10 nước trên thế giới cho phụ nữ khởi nghiệp. Theo báo cáo này, gần 1/3 doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ, đứng thứ bảy trên thế giới và đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Công ty thẻ tín dụng "bất ngờ" khi một đất nước có mức thu nhập cỡ trung lại có mặt trong danh sách. Tuy nhiên, báo cáo của Mastercard cũng ghi nhận, một số phụ nữ ở Việt Nam khởi nghiệp thường "tập trung vào những nhánh kinh doanh đòi hỏi ít kiến thức hay phát kiến, và sẽ cho phép họ tránh né những trở ngại về vốn đầu tư, pháp lý hay kỹ thuật".

Trong bản xếp hạng Điều kiện Hỗ trợ Khởi nghiệp của báo cáo này, Việt Nam đứng 42, và cho thấy quốc gia này vẫn còn nỗ lực nhiều hơn trong việc hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ khởi nghiệp để đạt thành tích khá quan hơn.

Khánh Phương (Theo BBC News, 6/2017)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/viet-nam-dung-dau-chau-a-ve-binh-dang-gioi-trong-quan-tri-d58842.html