Việt Nam đầu tư R&D thấp hơn Lào-Campuchia:Tụt hậu ngày càng xa

Lười đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu và tụt xa so với các nước trong khu vực.

Nền kinh tế dựa vào tài nguyên

Trong nghiên cứu "Tăng cường sức cạnh tranh và liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ" mà Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố mới đây, mức chi trả cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) của doanh nghiệp Việt Nam đang kém hơn so với Campuchia và thuộc top dưới trong khối các nước Đông Nam Á.

Đặc biệt, nếu chỉ so với Lào, Campuchia, doanh nghiệp Việt Nam là những người lười quan tâm đến hoạt động R&D nhất.

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt chỉ chi 1,6% doanh thu hàng năm cho R&D, trong khi tỷ lệ này ở Campuchia là 1,9%. Đáng chú ý, doanh nghiệp ở Lào rất quan tâm đến R&D và đã chi đến 14,5% doanh thu hàng năm cho hoạt động này.

Sức sản xuất để tạo ra những sản phẩm mới của doanh nghiệp Việt giờ đây còn thua cả các doanh nghiệp Lào, Campuchia

Bày tỏ nỗi buồn trước sự thiếu năng động của Việt Nam so với nước bạn Lào, Campuchia nhưng PGS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) không hề bất ngờ trước những con số mà WB đưa ra bởi chính ông cũng từng đi khảo sát và nhận được kết quả không mấy lạc quan.

Vị chuyên gia chỉ rõ, bản thân đầu tư ngân sách của Việt Nam cho nghiên cứu khoa học đã rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ hơn 2% GDP.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất, đó là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Việt Nam vẫn đang dựa vào kinh tế tài nguyên cho nên đầu tư cho R&D rất hạn chế.

"Bởi doanh nghiệp Việt cứ khai thác tài nguyên, dựa vào lao động là chính nên ít quan tâm đến R&D. Điều này thể hiện ở chỗ sản phẩm của doanh nghiệp Việt chủ yếu là gia công, khai thác thô để xuất khẩu là chính", ông nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển chia sẻ câu chuyện ông đã trải qua. Theo đó, cách đây chừng 2-3 năm, ông có một nghiên cứu về khoa học công nghệ tại một địa phương.

Khi phỏng vấn, điều tra các doanh nghiệp, hơn 70% doanh nghiệp trả lời rằng họ chưa có nhu cầu về R&D.

"Điều này thể hiện doanh nghiệp cần lao động, máy móc để khai thác, bán thô trước chứ không cần nghiên cứu và phát triển làm gì", PGS.TS Đặng Đình Đào khẳng định.

Ông bác bỏ nghi ngại nguồn nhân lực của Việt Nam không đủ sức tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.

"Giới nghiên cứu Việt Nam hoàn toàn có khả năng sáng tạo ra sản phẩm mới và họ cũng có kiến nghị, đề xuất nhưng những kiến nghị ấy đã được nghe, áp dụng hay chưa thì vẫn còn khoảng cách.

Ví dụ ngay bản thân tôi. Năm 2012, tôi làm đề tài nhà nước trong đó kiến nghị xây dựng, phát triển một hệ thống logistics, kết nối phương tiện để giảm ùn tắc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình vận tải. Xây dựng đường xá phải tính đến việc kết nối liên hoàn giao thông-thương mại-CNTT, chứ không thể làm cảng xong không kết nối được với đường sắt, rồi đường sắt không kết nối với đường bộ, đường thủy. Thế nhưng những kiến nghị đó đã được vận dụng đến đâu?

Bởi thế, không nên vội trách các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu vì nhiều lúc họ nghiên cứu xong nhưng không được ứng dụng.

Đó là khoa học xã hội nhân văn, chưa bàn đến khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo ra sản phẩm mới... Doanh nghiệp vẫn đang còn say sưa với tài nguyên, khoáng sản là chủ yếu", PGS.TS Đặng Đình Đào phân tích.

Trước ý kiến đổ lỗi rằng đầu tư vào R&D có chi phí quá cao và thời gian thu hồi vốn quá dài khiến doanh nghiệp Việt ngại ngần, PGS.TS Đặng Đình Đào cho rằng điều này chỉ đúng một khía cạnh, đó là nghiên cứu cơ bản, còn nghiên ứng dụng để cải tiến là vấn đề khác.

Theo đó, nghiên cứu cơ bản để đầu tư có thể mất hàng chục năm, nhưng nghiên cứu ứng dụng để cải tiến sản phẩm, đổi mới công nghệ là công việc hàng ngày doanh nghiệp phải làm.

Nguy cơ tụt hậu xa

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển dẫn ngành công nghiệp ô tô như một minh chứng cho việc doanh nghiệp Việt thua nước láng giềng về đầu tư R&D, công bố sản phẩm mới.

Sau 20 năm, trong khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa có gì, nếu không muốn nói là thất bại thì Campuchia đã làm được xe điện nội địa từ năm 2014.

Mẫu ô tô điện sử dụng cảm biến vân tay để mở cửa và khởi động xe, điều khiển bằng smartphone qua Wifi và SMS của Campuchia mang tên Angkor EV 2014 khi ra mắt đã khiến giới truyền thông Việt Nam giật mình.

"Khi không coi trọng R&D thì Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu và tụt xa so với các nước trong khu vực vì họ có bước tiến cao hơn, xa hơn Việt Nam rất nhiều", vị PGS nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, R&D được đầu tư rất mạnh và khoa học công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Theo đó, từ nghiên cứu, ý tưởng, phát minh đến khi đưa vào ứng dụng sản xuất, kinh doanh là rất nhanh, không còn khoảng cách.

Trong khi đó, chuyện này ở Việt Nam là khoảng cách rất xa, thậm chí nghiên cứu xong còn bỏ vào ngăn kéo.

"Trách nhiệm lớn nhất ở đây là của nhà quản lý. Bởi không đầu từ vào R&D nên doanh nghiệp Việt khó tạo ra được giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ, càng khó có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm toàn cầu", PGS.TS Đặng Đình Đào kết luận.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/viet-nam-dau-tu-rampd-thap-hon-lao-campuchiatut-hau-ngay-cang-xa-3343363/