Việt Nam đã có Luật Biển

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII tại phiên họp cuối ngày 21-6-2012 của kỳ họp thứ ba đã bỏ phiếu thông qua Luật Biển với số phiếu tán thành là 495/496.

Đây là một sự kiện lớn, một tin vui lớn, đáp ứng những đòi hỏi của tình hình phát triển đất nước hiện nay, thỏa mãn tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Luật Biển là một văn kiện pháp lý vô cùng quan trọng và cần thiết của đất nước ta để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển quốc gia, tạo cơ sở và hành lang pháp lý cao nhất cho mọi công việc sử dụng, khai thác và bảo vệ vùng biển nước nhà.

Luật Biển gồm có bảy chương, 55 điều. Chương 1 gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, định nghĩa. Chương 2 quy định về vùng biển Việt Nam với các quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, quần đảo… Chương 3 quy định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, trong đó có các quy định: Đi qua không gây hại trong lãnh hải, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại, vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải, tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài đến Việt Nam, trách nhiệm của tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, hoạt động của tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, quyền tài phán hình sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài, quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài… Chương 4 của Luật Biển Việt Nam dành cho phát triển kinh tế biển, với các điều khoản về nguyên tắc phát triển kinh tế biển, các ngành kinh tế biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, xây dựng và phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển. Chương 5 của luật quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển với các điều khoản về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển, cờ, sắc phục và phù hiệu. Luật Biển Việt Nam cũng dành một chương (chương 6) để quy định về xử lý vi phạm. Chương này bao gồm các điều khoản về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm, biện pháp ngăn chặn, thông báo cho Bộ Ngoại giao và xử lý vi phạm. Chương cuối cùng của Luật Biển Việt Nam quy định về điều khoản thi hành. (Dẫn theo nguồn báo Nhân Dân).

Ngay ở Điều 1 luật đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khoản 1 Điều 12 xác định: “Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982”. Ai đã từng ra Trường Sa, đi trên biển Đông của nước nhà, càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa trọng đại của những dòng chữ đơn sơ nhưng đầy sức nặng này. Trong chuyến ra thăm quần đảo mới đây, khi chúng tôi vừa bước chân lên đảo Sinh Tồn đã nghe tiếng còi khẩn cấp của thuyền CQ xua đuổi tàu lạ vào đánh bắt cá vi phạm hải phận của ta. Tiếng còi đó giờ đây có Luật Biển sẽ càng vang to vang khỏe hơn.

Đáp lại phản ứng của Trung Quốc chỉ trích Luật Biển vừa được thông qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã tuyên bố rõ ràng: “Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.

Vâng, chúng ta chỉ giữ cái gì là của ta, thuộc về ta. Luật Biển bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 sẽ là ngọn gió thổi căng cánh buồm của lòng dân yêu nước Việt.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20120623104828390p0c1013/viet-nam-da-co-luat-bien.htm