Việt Nam cử người sang Trung Quốc làm việc về điện hạt nhân gần biên giới

Trước việc Trung Quốc xây dựng ba nhà máy điện hạt nhân sát biên giới, cơ quan chức năng của Việt Nam tổ chức đoàn công tác sang làm việc với đơn vị phụ trách an toàn hạt nhân nước láng giềng.

Vị trí ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần Việt Nam. Đồ họa: Tiến Thành.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao vừa cho biết, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc sớm cùng xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về ba dự án điện hạt nhân ở gần biên giới.

Trước đó, Trung Quốc đưa vào vận hành ba nhà máy điện hạt nhân gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam). Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km.

Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học công nghệ) cho biết, việc ký kết hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này được thực hiện từ năm 2012, nhưng thực tế chưa triển khai nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế như Công ước thông báo sớm, nghĩa là với bất kỳ sự cố hạt nhân nào đều được mạng lưới quốc tế thông báo.

Việt Nam cũng tham gia Công ước về an toàn hạt nhân. Theo đó, hàng năm các nước phải báo cáo về tình hình phát triển điện hạt nhân của họ, Việt Nam có quyền chất vấn và yêu cầu phía Trung Quốc giải trình. "Sắp tới, phía Cục sẽ tổ chức đoàn công tác sang làm việc với cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc, để sớm có thỏa thuận về việc trao đổi thông tin tốt nhất", ông Tấn nói.

Không hoang mang, nhưng không chủ quan

"Việt Nam không có gì đáng lo ngại khi ba nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc ở gần biên giới đã đi vào vận hành", ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nói, và cho biết Pháp đang xây dựng nhiều nhà máy gần Đức, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng vậy, nhưng chưa xảy ra tranh chấp hay mâu thuẫn về việc này.

Theo ông Thành, đối với điện hạt nhân, an toàn là quan tâm hàng đầu của thế giới, nên việc xây dựng các nhà máy hạt nhân trở thành vấn đề quốc tế chứ không riêng của một đất nước. Với các lò thiết kế mới, thế hệ 3 hoặc 3+ hiện nay, Trung Quốc hoàn toàn có thể kiểm soát được khi có sự cố lớn xảy ra, phóng xạ sẽ được giam giữ trong tòa nhà lò chứ không phát tán ra ngoài. Ngay cả trường hợp xấu nhất có rò rỉ, phóng xạ phát tán sẽ ở mức thấp và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Vì an toàn ngày càng được đảm bảo trong các thiết kế mới hiện nay, nên bán kính từ nhà máy điện hạt nhân tới khu vực dân cư ngày càng thu hẹp. Nếu như trước đây khoảng cách này là 5 km, sau giảm xuống 3 km, và hiện nay chỉ là hàng rào nhà máy, tức là người dân vẫn sống xung quanh.

"Những thiết kế của nhà máy điện hạt nhân mới hầu như không có bán kính về vùng kiểm soát, mà đều là hàng rào nhà máy. Trung Quốc chắc chắn cũng quan tâm đến an toàn hàng đầu khi xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, và lo tính mạng cho người dân của họ đầu tiên", ông Thành cho hay.

Đồng tình với quan điểm "người dân không nên hoang mang về nhà máy điện hạt nhân", nhưng chuyên gia Trần Hữu Phát cảnh báo Việt Nam không nên chủ quan, cần chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án đề phòng sự cố.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết sự cố điện hạt nhân đều xuất phát từ con người trong quá trình vận hành, chứ không phải công nghệ. Ngoài ra, thiên tai như sóng thần là không thể lường trước. Các quốc gia đều đề ra biện pháp ứng phó khi xây dựng điện hạt nhân là vì thế", ông Phát nói.

Xây dựng mạng lưới quan trắc phóng xạ trực tuyến

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang xây dựng mạng lưới quan trắc phóng xạ trực tuyến và đặt mục tiêu đến 2020 sẽ có 7 trạm đi vào hoạt động ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội, Lạng Sơn và hai điểm khác ở miền Trung. Các điểm quan trắc này sẽ giúp Việt Nam nhận biết và cảnh báo sớm sớm phóng xạ để đưa ra các biện pháp ứng phó tốt nhất.

VnExpress

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/thoi-su/viet-nam-cu-nguoi-sang-trung-quoc-lam-viec-ve-dien-hat-nhan-gan-bien-gioi-28112.html