Việt Nam có xu hướng gia tăng số lượng người mắc bệnh lao

Năm 2016, Việt Nam phát hiện 105.839 ca bệnh mắc lao, tăng về số ca bệnh mắc lao các thể khoảng 3.163 người bệnh so với năm 2015, trong đó tăng mạnh nhất là số người bệnh lao phổi AFB (-) với 1.822 người bệnh.

Theo báo cáo tổng kết hoạt động Chương trình chống lao quốc gia (Bộ Y tế), mặc dù trong năm 2016 nguồn kinh phí từ ngân sách Chính phủ cho công tác phòng chống lao được phê duyệt muộn nhưng mạng lưới phòng chống lao trên toàn quốc vẫn duy trì và đảm bảo chất lượng hoạt động. Theo đó, 100% dân số tiếp cận phổ cập với các dich vụ phòng chống lao, số người bệnh phát hiện là 105.839, vượt chỉ tiêu cả năm 2016 (102.292) là 3,5%. Duy trì tỷ lệ điều trị thành công đạt mức rất cao, đạt 92,4% với lô người bệnh lao phổi dương tính mới.

Trong tổng số 105.839 người mắc lao được phát hiện năm 2016, có 50.621 người bệnh lao phổi AFB (+) (Trực khuẩn kháng cồn kháng toan) mới chiếm 47,8%, tỷ lệ phát hiện lao phổi AFB (+) mới là 54/100.000 dân. Tỷ lệ lao phổi AFB dương tính khác (bao gồm cả lao phổi AFB (+) tái phát, điều trị lại) là 7,7%, giảm so với năm 2015 (8,3%).

So sánh với năm 2015, số bệnh nhân lao phổi dương tính mới phát hiện trong năm 2016 tăng đáng kể với 519 bệnh nhân (1,04%). Số bệnh nhân lao phổi AFB âm tính phát hiện tăng so với năm 2015 là 1.822 bệnh nhân (8,09%). Tổng số người bệnh tăng 3.163 ca bệnh so với cùng kỳ năm 2015.

Một số tỉnh có tình hình phát hiện bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước như Quảng Nam (26%), Lai Châu (25%), Gia Lai (22%).

Ngược lại, bệnh nhân lao phổi AFB (+) tái phát và điều trị lại có xu hướng giảm (tổng cộng 329 bệnh nhân) so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số tỉnh có tình hình phát hiện bệnh nhân lao phổi AFB dương tính có xu hướng thay đổi rõ rệt, tăng giảm trên 20% so với cùng kỳ năm trước như Quảng Bình (giảm 34%), Hà Tĩnh (giảm 26%), Hà Nam (giảm 24%), Vĩnh Phúc (giảm 22%), Quảng Nam (tăng 26%), Lai Châu (tăng 25%), Gia Lai (tăng 22%).

Về mặt thực hiện so với kế hoạch chỉ tiêu năm 2016 đã đặt ra, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao các thể đạt 101,6% chỉ tiêu và tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao AFB(+) mới đạt là 98,2%. Kết quả này thể hiện những nỗ lực và đóng góp rất lớn cho công tác chống lao đến từ các tỉnh, thành và các tuyến trên cả nước.

Đến nay, chương trình chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tăng cường mở rộng hoạt động phát hiện quản lý bệnh lao và lao kháng thuốc tới các nhóm đối tượng nguy cơ. Nghiên cứu, triển khai thí điểm các thuốc, phác đồ, kỹ thuật và các sáng kiến mới trong công tác phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị bệnh nhân lao. Bảo đảm không thiếu thuốc chống lao tại tất cả các tuyến trên toàn quốc.

Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Hiện nay, 45/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 15 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Việt Nam cũng đứng thứ 15 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Những lý do được chỉ ra, là Việt Nam hiện nay chưa tầm soát hết các đối tượng nghi kháng đa thuốc (MDR), tỷ lệ người được xét nghiệm GeneXperttrong số nghi MDR còn hạn chế tại nhiều địa phương. Công tác phối kết hợp trong hoạt động phối hợp y tế công - tư/công công (PPM) còn hạn chế. Hầu hết sự phối hợp hiện nay vẫn chủ yếu là mô hình chuyển người nghi lao đến khám phát hiện.

Bên cạnh đó, sự hợp tác để phát hiện lao trẻ em giữa Chương trình chống lao quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh, huyện chưa thường xuyên và chưa hiệu quả. Địa bàn triển khai rộng, thiếu cán bộ cả về số lượng và năng lực. Công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như thiếu nguồn nhân lực có chất lượng; thiếu trang thiết bị chẩn đoán, đặc biệt lao kháng đa thuốc.... Trong khi đó, tỷ lệ bệnh lao, lao kháng đa thuốc, HIV trong trại giam cao.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu mà Chương trình chống lao quốc gia đặt ra, là sẽ giảm số người người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131 người/100.000 người dân. Giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người/100.000 người dân. Khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/32454202-viet-nam-co-xu-huong-gia-tang-so-luong-nguoi-mac-benh-lao.html