Việt Nam có thực sự công nhận bằng tiến sĩ ở nước ngoài?

Chị Phương du học ở Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh về năm 2008 với tấm bằng Tiến sĩ Kinh tế.

(LĐĐT) - Sau một thời gian dài trải qua “đoạn trường” làm thủ tục về cơ quan công tác mất hơn 6 tháng, bỗng một ngày đẹp trời, ông trưởng phòng tổ chức cán bộ nói, chị phải xin xác nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bằng Tiến sĩ của chị có trình độ “tương đương” với bằng của Việt Nam chị mới được tăng lương?! Thế là chị bắt đầu đi làm thủ tục cho cái gọi là "xin xác nhận bằng cấp được đào tạo tại nước ngoài của chị là tương đương với Việt Nam". Sau một thời gian tìm hiểu, chị mới biết Cục Thẩm định và kiểm định chất lượng giáo dục là cơ quan chịu trách nhiệm cấp loại giấy tờ này. Khi đến đây, chị mới biết chị không phải là người duy nhất phải thực hiện thủ tục này. Nhiều người muốn thành lập doanh nghiệp, cấp chứng chỉ hành nghề, lên lương, lên chức… cũng bị các cơ quan quản lý nhà nước đòi hỏi phải có xác nhận bằng cấp của họ và tương đương với trình độ đào tạo của Việt Nam. Chuyện khó tin như trên xuất phát từ chính cơ quan quản lý giáo dục cao nhất của Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Thẩm định và kiểm định chất lượng giáo dục - TĐ&KĐCLGD) liên quan đến việc thẩm định và kiểm định các văn bằng của những ai đi đào tạo tại nước ngoài về muốn được công nhận tương đương như bằng cấp tại Việt Nam. Theo đó, người đi học về, ở bất kỳ trình độ đào tạo nào từ bậc phổ thông, cử nhân, thạc sỹ, tiến sĩ cho đến cả sau tiến sĩ, muốn được công nhận là tương đương với trình độ đào tạo tại Việt Nam phải làm đơn theo mẫu của Cục này, nộp các văn bằng có liên quan (bản công chứng và bản gốc để đối chiếu), bảng điểm, bản sao của hộ chiếu, visa, quyết định cử đi học và thậm chí là cả chứng nhận đã nộp luận án cho Thư viện quốc gia và đợi 30 ngày để Cục này thẩm định và cấp chứng nhận tương đương với trình độ đào tạo trong nước. Khi hỏi cán bộ có trách nhiệm tại đây, Chị Phương và nhiều lưu học sinh đến đây xin xác nhận bằng cấp đều nhận được câu trả lời là: Cục có thẩm quyền thẩm định các loại bằng cấp và cấp chứng nhận tương đương trình độ đào tạo tại Việt Nam của tất cả các trường đại học trên thế giới. Điều này có nghĩa là, Cục này có thẩm quyền thẩm định việc đào tạo của cả các trường đại học hàng đầu thế giới như Havard (Mỹ) hay Cambridge (Anh)… mà không có bất kỳ ngoại lệ nào. Cái lý lẽ mà Cục TĐ&KĐCLGD đưa ra là sợ bằng giả, sợ trường đại học nước ngoài đào tạo kém chất lượng khiến cho lưu học sinh (LHS) không thể làm việc, công tác thậm chí lên lương dường như là cái cớ cho Cục này còn tiếp tục thẩm định và kiểm định các loại văn bằng đào tạo từ nước ngoài. Chúng ta đang xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam từ nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa có một mô hình cụ thể nào ra đời ngoại trừ việc liên kết đào tạo của một số trường với nước ngoài. Chúng ta hàng năm cử hàng 1000 người đi đào tạo tại nước ngoài theo các đề án của nhà nước và gấp hàng chục lần như vậy các LHS theo học tại các nước có trình độ giáo dục tiên tiến ở nhiều hình thức và trình độ khác nhau. Nhưng lập luận trên của Cục TĐ&KĐCLGD cho thấy, dường như tại Việt Nam chúng ta đã có sẵn một đại học đẳng cấp quốc tế từ lâu rồi vì chúng ta ở trình độ cao đến độ có thể thẩm định cả chương trình đào tạo và thừa nhận bằng cấp của các trường đại học trên thế giới là tương đương với Việt Nam? Nhiều năm trước đây, các LHS Việt Nam sang học tại các nước đều bị yêu cầu học lại hoặc học thêm một số môn học trước khi vào học chính khóa. Điều này xuất phát từ lối tư duy giáo dục và dạy học tại Việt Nam không theo kịp các nước đang phát triển và còn bị bỏ cách một khoảng khá xa cũng như việc không có được sự công nhân về bằng cấp giữa các cơ quan quản lý giáo dục các nước với Việt Nam. Tuy nhiên, mục đich của các trường đại học nước ngoài chỉ đơn giản là trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản, tối thiểu để giúp sinh viên bắt nhịp nhanh chóng với mô hình giáo dục hiện đại, khoa học, tiên tiến và tiết kiệm kinh phí, thời gian học và được sinh viên nước ngoài tiếp nhận hết sức thoải mái. Chưa có bất kỳ nước nào yêu cầu kiểm định và thẩm định lại bằng cấp của một trường đại học Việt Nam xem có tương đương với họ hay không (mặc dù trên thực tế, chúng ta ai cũng biết mình đang đứng ở đâu trong nền giáo dục thế giới). Thế nhưng, tại Việt Nam chúng ta, dường như chúng ta đang đi ngược quy luật phát triển khi mà cơ quan quản lý giáo dục “đòi” kiểm định và thẩm định lại cả bằng cấp của một trường đại học nước ngoài cấp, thậm chí khi mà trường đó nằm trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới. Kiểm định và thẩm định lại bằng cấp của một trường đại học nước ngoài rồi cấp cho họ một chứng nhận tương đương với trình độ của Việt nam để rồi giúp họ có thế lên lương hay tìm việc như hiện nay là một lối tư duy lạc hậu, hành chính, quan liêu và không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội văn minh hiện đại. Thử hỏi, nếu như các Trường đại học nước ngoài, các cơ quan quản lý giáo dục nước ngoài họ cũng áp dụng chính sách như Việt Nam ta thì thử xem, còn được bao nhiêu người đủ điều kiện và trình độ đi học nước ngoài. Chưa hết, đòi thẩm định và kiểm định bằng cấp tại nước ngoài cho thấy lối tư duy của cơ quan quản lý Việt Nam trong việc phân biệt đối xử giữa các loại bằng cấp được đào tạo trong và ngoài nước bởi lẽ đương nhiên, bằng cấp được đào tạo trong nước không bao giờ phải trải qua thủ tục này. Như vậy, vô hình chung, cơ quan quản lý giáo dục Việt nam đang khuyến khích mọi người nên học tập ngay tại trong nước thay vì đi học tại nước ngoài vì rõ ràng, bằng cấp trong nước đâu cần phải thẩm định hay kiểm định. Như vậy, không hiểu đề án đưa hàng chục ngàn tiến sĩ, thạc sỹ đi đào tạo tại nước ngoài để làm gì ? Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhưng chính những thủ tục rườm rà, lạc hậu và vô lý như kiểu “đòi” kiểm định cả các văn bằng được cấp tại nước ngoài như phân tích trên đây cần được bãi bỏ sớm để giảm bớt áp lực cho chính các chuyên viên của Bộ và những người có liên quan cũng như tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước khác “ hành” người học về các thủ tục nhiêu khê, sách nhiễu và tham nhũng. Bên cạnh đó, nếu Bộ vẫn tiếp tục duy trì việc “kiểm định và thẩm định” bằng cấp tại nước ngoài như trên thì cũng cần đơn giản hóa thủ tục ở mức tối thiểu cho người xin cấp chứng nhận để đến một ngày, sẽ không còn có chuyện một cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam đòi kiểm định và thẩm định cả bằng cấp của các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Dương Hải Hà

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/viet-nam-co-thuc-su-cong-nhan-bang-tien-si-o-nuoc-ngoai/20097/148866.laodong