Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển bền vững

NDĐT - THỜI NAY - “Để phát triển bền vững, Việt Nam cần chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế và giáo dục”. Đó là nhận định của Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) Irina Bokova khi tới Việt Nam dự khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tổng Giám đốc UNESCO đã dành riêng cho báo Thời Nay cuộc trả lời phỏng vấn liên quan nội dung này.

PV: Cảm ơn bà dành thời gian trả lời phóng vấn của báo Thời Nay. Đây là lần đầu đến Việt Nam, xin bà chia sẻ những cảm nhận của mình về không khí của Hà Nội trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội? Bà I.Bokova: Tôi rất vui vì có mặt trong buổi khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Quả thật là một niềm hãnh diện khi tôi không chỉ được tham dự sự kiện lớn này mà còn được đại diện UNESCO trao bằng chứng nhận di sản văn hóa thế giới cho khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tôi đặc biệt có ấn tượng sâu sắc với khung cảnh lộng lẫy của phố phường Hà Nội những ngày này. Tôi được biết, không chỉ có những người xem trực tiếp mà còn có hàng triệu người xem truyền hình Lễ khai mạc và được chứng kiến người dân Việt Nam thể hiện niềm tự hào dân tộc trước sự kiện Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, qua đó tôi cảm nhận được tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam. PV: Trong bài phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, bà đặc biệt chú trọng vấn đề bảo tồn đa dạng văn hóa. Tại sao bà lưu ý về vấn đề này? Theo bà, Việt Nam cần bảo tồn và phát triển đa dạng văn hóa như thế nào để có thể hướng tới phát triển bền vững? Bà I.Bokova: Đối với UNESCO, đa dạng văn hóa là yếu tố hết sức quan trọng. Bởi đa dạng văn hóa không chỉ giúp chúng ta bảo tồn, gìn giữ văn hóa mà còn giúp chúng ta phát triển bền vững. Và thông qua văn hóa, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chúng ta mới có thể giữ được những giá trị tinh thần, yếu tố quan trọng để phát triển bền vững. Đây cũng là lý do tôi tôi đặc biệt nhấn mạnh yếu tố này và đề nghị Việt Nam giữ gìn bảo tồn các di sản văn hóa của mình trong bài phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long giờ đây không chỉ là di sản của Việt Nam, mà còn là di sản của nhân loại. Bảo vệ những di sản ấy, không chỉ là trách nhiệm của các bạn mà còn là của chúng tôi. Tôi có mặt ở buổi lễ cũng là vì nhiệm vụ ấy. Chúng ta tôn vinh di sản, nhưng cũng cần bảo vệ chúng để tạo ra những giá trị văn hóa mới, phục vụ nhân loại, cân bằng được lợi ích phát triển kinh tế du lịch với bảo vệ di sản. PV: Hà Nội đang trong không khí tưng bừng của ngày Đại lễ. Vậy, thông điệp của UNESCO gửi đến Thủ đô Việt Nam trong dịp này là gì? Bà I.Bokova: Tại Việt Nam, Văn phòng UNESCO hoạt động trên nhiều lĩnh vực như bảo tồn, phát triển văn hóa, bảo vệ di sản. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh rằng, UNESCO còn một nhiệm vụ quan trọng không kém là đẩy mạnh phát triển giáo dục. Tôi thấy rõ một điều rằng Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh và mạnh mẽ về kinh tế trong những năm gần đây, nhưng điều đó là chưa đủ. Các bạn cần chú ý hơn nữa lĩnh vực giáo dục. Vì giáo dục là nền tảng của sự phát triển, của sự bền vững. Thông điệp của tôi muốn gửi đến các bạn trong dịp này là hãy nỗ lực hơn nữa để Việt Nam không chỉ đạt được những thành công như đã có, mà còn tiến xa hơn trong nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam đang là Chủ tịch của ASEAN và nhận được sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế. Đây là những yếu tố rất thuận lợi để Việt Nam phát triển bền vững. PV: Xin cảm ơn bà. HỒ ĐIỆP (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184971&sub=79&top=43