Việt Nam cần thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành năng lượng tái tạo

“Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2016” được khởi xướng với những hành động cụ thể góp phần thúc đẩy mạnh ứng dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Tới dự buổi Hội thảo có ông Phạm Trọng Thực – Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo – Bộ Công thương; ông Lê Tuấn Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng – Bộ Công thương; TS Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng các đại biểu đến từ các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu về vấn để năng lượng tái tạo. Ảnh Đức Mậu

“Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2016” với thông điệp “Năng lượng tái tạo cho tương lai bền vững” nhằm tạo ra diễn đàn mở cho các bên liên quan giao lưu và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lương tái tạo hướng tới phát triển bền vững. Tham dự sự kiện lần này, các đại biểu sẽ được cập nhật những thông tin mới nhất về sự phát triển năng động của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đồng thời có cơ hội tương tác với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong nước và quốc tế , các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực này ở Việt Nam.

Phát biểu tại tuần lễ “Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2016”, ông Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: “Năng lượng tái tạo có thể được tạo ra, bổ sung trong thời gian ngắn và không bao giờ cạn kiệt, bởi nguồn năng lượng tái tạo có sẵn vô tận như ánh sáng mặt trời, gió, thủy triều, chất thải chăn nuôi, trồng trọt … Điều này ngược lại với nhiên liệu hóa thạch mà chúng ta đang sử dụng phổ biến hiện nay không chỉ đang dần cạn kiệt mà gây ô nhiễm môi trường và nhiều nguy hại khác. Mặc dù điều kiện Việt Nam chúng ta chưa thể thay thế năng lượng hóa thạch, nhưng chúng ta hoàn toàn có cơ sở thực hiện”.

Thứ nhất, đất nước chúng ta có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, trong đó có thủy điện nhỏ, gió, mặt trờ, sinh khối, thủy triền, rác thải … với ước tính ban đầu khoảng 37.000 KW, tương đương với tổng công suất của hệ thống điện quốc gia.

Thứ hai, nguồn tiềm năng này có thể khai thác áp dụng ở nhiều quy mô khác nhau từ hộ gia đình, tới quy mô cộng đồng cung như quy mô công nghiệp.

Thứ ba, trong thời gian gần đây, giá điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời giảm rất nhanh và cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch.

Thứ tư, nhu cầu về năng lượng Việt Nam sẽ tăng lên gấp 7 – 8 lần trong 20 năm tới. Trong khi đó, theo các chuyên gia, đến năm 2035 khả năng khai thác than của Việt Nam chỉ được áp dụng chưa đầy 35% nhu cầu sử dụng điện. Như vậy, chúng ta không thể chỉ phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch mà phải hành động để khai thác nguồn năng lượng sạch tư thiên nhiên.

Thứ năm, yếu tố môi trường vô cùng quan trọng và là nền tảng cốt yếu của phát triển bền vững.

Thứ sáu, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo với mục tiêu cụ thể. Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng và tham vấn hoàn thiện lộ trình thực hiện chiến lược này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta cùng nhau đóng góp và chung tay thực hiện.

Cũng tại sự kiện này, ông Phạm Trọng Thực - Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho rằng: “Về lộ trình thực hiện các bước về phát triển năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương, để đảm bảo đủ năng lượng, cần phải có năng lượng bổ sung. Hàng năm chúng ta đưa năng lượng tái tạo mới vào hệ thống quốc gia từ 3000 - 4000 MW. Trong khi đó, 6 lưu vực sông lớn đã khai thác hết, chỉ còn các lưu vực sông suối nhỏ. Bộ Công Thương đang rà soát và đưa ra khỏi quy hoạch các nhà máy thủy điện nhỏ, không mang lại hiệu quả năng lượng và ảnh hưởng môi trường”.

Năng lượng gió có sự hỗ trợ của nước Đức, trong tương lai, Chính phủ sẽ phê duyệt vào hệ thống quốc gia để tạo cơ sở cho phát triển lâu dài.

Một số loại nguyên liệu đốt dùng cho bếp tiết kiệm nhiên liệu có mặt tại Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2016. Ảnh Đức Mậu

Việt Nam đã phối hợp với Tây Ban Nha về phát triển năng lượng mặt trời, và hiện đã có bản đồ đánh giá tiềm năng năng lượng mặt trời trên cả nước. Vùng có tiềm năng, năng lượng bức xạ khoảng 4-4,5 KWh/ngày/km 2 . Và chúng ta định dạng được, ở đâu khu vực nào cũng có thể sử dụng được và khái quát tiềm năng kỹ thuật, cũng như tiềm năng lý thuyết.

Năng lượng Biogas rất phù hợp với Việt Nam nên phát triển các vùng cây năng lượng. Còn dạng năng lượng hải triều vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về dạng năng lượng này. Năng lượng điện nhiệt được phát hiện như sông Đà, sông Mã … nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể, mà chỉ nghiên cứu từ tài liệu và kinh nghiệm.

Trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo có nhiều giải pháp đề xuất, như tạo ra quỹ năng lượng tái tạo. Nhưng có khó khăn là tốn thời gian và không kích thích được sự phát triển của nhà đầu tư.

Đức Mậu

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/viet-nam-can-thuc-day-phat-trien-hon-nua-nganh-nang-luong-tai-tao-d108536.html