'Việt Nam cần chuyển mô hình tăng trưởng trong đó kích thích cầu tiêu dùng nội địa'

Năm 2017 được dự báo nền kinh tế phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ môi trường kinh tế thế giới, trong đó có việc Anh rời Châu Âu, và ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, điều này ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước? Phó Chủ tịch NFSC, ông Trương Văn Phước đã chia sẻ với báo chí.

Phó Chủ tịch NFSC, ông Trương Văn Phước

Thưa ông, dự báo GDP năm 2016 và năm 2017 của NFSC có quá tham vọng trong bối cảnh tăng trưởng chung của khu vực và thế giới vẫn thấp?

- Ủy ban dự kiến GDP năm nay tăng 6,3 – 6,5%. Chính phủ đang điều hành chính sách để GDP đạt cao nhất. Năm 2017 chúng ta phấn đấu GDP tăng 6,7%, đây là mức tương đối cao. Tuy nhiên, Chính phủ đang điều hành tái cơ cấu nền kinh tế, khơi thông dòng chảy, các nguồn lực có hiệu quả nhiều hơn. Các chính sách ấy cũng đã có hiệu quả ban đầu, thông qua đó tạo lập môi trường kinh doanh hiệu quả tạo thành động lực để tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng mô hình tăng trưởng mới, chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Cũng có những mô hình khác như dựa vào tiêu dùng nội địa, chi tiêu Chính phủ, đầu tư Nhà nước, đầu tư tư nhân… Nhưng trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, mặt bằng giá nông sản, giá dầu xuống thấp, do đó, Việt Nam cần chuyển mô hình tăng trưởng trong đó kích thích cầu tiêu dùng nội địa.

Để đạt dược những mục tiêu, đặc biệt 6,7%, ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu giai đoạn 2, tái cơ cấu đầu tư công, DN nhà nước, ngân hàng thương mại đặc biệt là xử lý nợ xấu, nợ công cùng với tạo ra môi trường khởi nghiệp, môi trường cho DN để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Làm được như vậy, khả năng cao Việt Nam sẽ đạt 6,7% tăng trưởng.

Ông vừa đề cập đến mục tiêu kích thích tiêu dùng nội địa, có phải đó là lý do năm 2017 đặt mục tiêu xuất khẩu 6-7% thấp hơn năm 2016?

- Tổng cầu thị trường thế giới khó khăn, năm 2016 kéo dài sang 2017 rất bất định như Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ. Chính sách của Tổng thống Mỹ mới cần thời gian để xem có hiện thực hóa các chính sách đã đưa ra khi tranh cử như lợi ích gói gọn cho nước Mỹ, can thiệp vào thế giới của nước Mỹ ít đi, chính sách nhập cư, tự do hóa thương mại… của Tổng thống Trump khác với các đời tiền nhiệm. Đó cũng là yếu tố cần cân nhắc, tiên liệu trong điều hành kinh tế Việt Nam.

Trong năm 2017, mức độ tăng trưởng xuất khẩu có thấp hơn năm 2016, nhưng tăng trưởng năm nay vẫn lớn so với tình hình chung thế giới. Mô hình tăng trưởng Việt Nam ngày nay không dựa vào xuất khẩu, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu cũng thấp đi nhiều, tuy nhiên cần khơi thông được sản xuất trong nước, cầu về nội địa. Đó là mô hình của nền kinh tế mới nổi. Ngay một nước lớn như Trung Quốc cũng đang chuyển mô hình tăng trưởng dựa vào tăng cầu nội địa.

Việc Donald Trump trúng cử Tổng thống nước Mỹ ảnh hưởng như thế nào đến đồng USD và vàng, thưa ông?

- Phải đợi đến 20/1 năm sau và sau đó nữa, khi đó nội các mới của ông Trump mới hình thành, dựa vào các chính sách kinh tế, an ninh quốc phòng, ngoại giao của một Chính phủ Mỹ mới như thế nào mới có thể nhận định được. Tuy nhiên, ông Trump có những luận điểm phê phán lãi suất thấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hiện nay. Điều đó có nghĩa là ông Trump đã có những gói kinh tế kích thích cầu nội địa của nền kinh tế Mỹ, liên quan đến thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, mà ở đó lãi suất rất quan trọng.

2 năm trở lại đây, FED tăng lãi suất 0,25% năm ngoái tuy nhiên lạm phát Mỹ chưa đi vào quỹ đạo để tăng 2%, thất nghiệp Mỹ chưa xử lý tốt, đó là lý do FED chưa tăng lãi suất. Tôi tin rằng, thời gian ngắn FED sẽ tăng lãi suất. Họp báo FED nói có thể tăng lãi suất vào cuối tháng 12 năm nay, nhưng có thể sẽ chưa. Tôi nghĩ quá trình tăng lãi suất sẽ diễn ra đều đặn hơn và với quy mô nhỏ hơn 0,25%. Còn nói về chính sách tiền tệ tổng thể trong một thời kỳ thì phải chờ tháng 1 năm sau…

Một số ý kiến cho rằng lạm phát năm nay sẽ phá vỡ mục tiêu 5% mà Quốc hội đưa ra?

- Năm nay lạm phát dự kiến 4,5% có thể dưới 5%, ta kiểm soát được như chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, lạm phát do Chính phủ điều chỉnh dịch vụ công liên quan đến y tế, giáo dục. Lạm phát là 4,5% trừ đi dịch vụ công khoảng 3%, lạm phát thực chỉ 1,5%.

Năm nay chúng ta đã nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Chúng tôi thấy nới lỏng như vậy phù hợp, chấp nhận được và không tác động nhiều đến lạm phát. Có 1 chỉ số mang tính chất cơ bản hơn là lạm phát cơ bản, theo tính toán của Ủy ban là 1,85%, như vậy, các điều kiện để duy trì kiểm soát mức 5% là điều có thể làm được.

Xin cảm ơn ông!

Linh Linh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/viet-nam-can-chuyen-mo-hinh-tang-truong-trong-do-kich-thich-cau-tieu-dung-noi-dia-304561.html