Việt Nam cam kết giảm 8% lượng khí nhà kính đến năm 2030

Theo INDC của Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ từ quốc tế.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: BTC

Ngày 28.6 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức hội thảo “Khởi động quá trình rà soát, cập nhật và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH”.

Theo thỏa thuận, các quốc gia được kỳ vọng trình NDC cập nhật 5 năm một lần, xác định cam kết của mình nhằm góp phần giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2°C vào cuối thế kỷ; nỗ lực để hướng tới ngưỡng 1,5°C và phát thải bằng không vào nửa sau của thế kỷ này.

Tại hội thảo, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã đưa ra dự kiến lộ trình rà soát, cập nhật trong NDC.

Theo đó, rà soát tất cả các nội dung có trong NDC hiện nay: Hợp phần Thích ứng gồm cập nhật các hành động và chính sách; xem xét khả năng đưa vấn đề tổn thất và thiệt hại (L&D) trở thành nội dung đóng góp toàn diện hơn. Hợp phần Giảm nhẹ sẽ rà soát số liệu cơ sở (tổng thể và theo ngành), các phương án và tiềm năng giảm nhẹ, gồm: năng lượng (bao gồm giao thông), nông nghiệp, chất thải.

Các nội dung mới dự kiến sẽ được bổ sung bao gồm: Các quy trình công nghiệp; các vấn đề khác như chống chịu với khí hậu và phát triển các bon thấp; các lợi ích của thích ứng và giảm nhẹ cần được xem xét đồng thời nhằm đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của các biện pháp.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân

Theo báo cáo của Việt Nam, đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với BĐKH tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Ông Martin Hoppe – Tham tán Phát triển (Đại sứ quán Đức tại Việt Nam) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cập nhật NDC và khởi động quá trình này kịp thời. Những nỗ lực và đầu vào của các bên liên quan đến BĐKH là cần thiết làm cho quá trình này trở nên có ý nghĩa.

Ông Martin Hoppe – Tham tán Phát triển (Đại sứ quán Đức tại Việt Nam)

“Nhằm thúc đẩy việc triển khai NDC và cùng nâng cao tham vọng, Đối tác NDC toàn cầu đã được khởi động tại COP 22 với tầm nhìn chính của Đối tác NDC là cách tiếp cận cùng hành động, hợp tác và thúc đẩy việc thực hiện NDC. Nếu chúng ta cùng nhau hành động, phối hợp các mục tiêu phát triển và khí hậu, chúng ta có thể cùng nhau tạo ra những câu chuyện thành công và nhân rộng ra quốc tế”, ông Martin Hoppe nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết NDC tại Việt Nam đã có sự tham gia rất tích cực của các Bộ, ngành, các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và nhiều bên có liên quan khác.

"Đây là đóng góp của quốc gia, nên cần có sự tham gia xem xét kỹ lưỡng của tất cả các bên đóng góp chính; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện đóng góp. Các bên cần hiểu rõ đóng góp của mình là gì; cần chuẩn bị gì để thực hiện đóng góp đó; trách nhiệm thực hiện thế nào sau khi đóng góp đó được thông qua", ông Nhân cho biết.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/viet-nam-cam-ket-giam-8-luong-khi-nha-kinh-den-nam-2030-66011.html