Việt Nam cam kết chống buôn bán động vật trái pháp luật

Cam kết quốc tế đã thể hiện ở mức cao nhất tại Hội nghị quốc tế cấp cao lần thứ 3 về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã diễn ra tại Hà Nội. Việt Nam, trong vòng 1 thập kỉ qua, đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc đấu tranh chống nạn buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ảnh minh họa.

Có thể nói ngay rằng đấu tranh chống nạn buôn bán động vật hoang dã là vấn đề toàn cầu, không có bất cứ quốc gia nào có thể giải quyết được vấn đề này một cách đơn lẻ. Những đường dây buôn bán quốc tế, xuyên quốc gia vẫn là nỗi nhức nhối chung.

Đặc biệt là Việt Nam và một số nước ở châu Á khác vẫn được coi là nơi tiêu thụ và là trạm trung chuyển của nạn buôn bán động vật hoang dã do thói quen sử dụng các sản phẩm từ động thực vật hoang dã, trong đó có quan niệm lâu đời coi đó như những loại thuốc chữa bệnh.

Có lẽ cũng vì sự phức tạp này, Việt Nam là quốc gia sớm tham gia các Công ước Liên Hợp Quốc về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp...

Ở Việt Nam, rất nhiều lực lượng chuyên trách cùng có trách nhiệm thực thi pháp luật về lĩnh vực này như: Kiểm lâm, cảnh sát môi trường, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường...

Chia sẻ với phóng viên ĐĐK nhân dịp Hội nghị quốc tế cấp cao về chống buôn bán trái phép các loài hoang dã đang diễn ra tại Hà Nội, bà Bùi Thị Hà- Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), cho biết: Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống lại nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Nhiều nỗ lực đã được triển khai nhằm tăng cường thể chế, chính sách về bảo vệ động vật hoang dã, khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao khung hình phạt và cải tiến khung pháp lý nói chung để bảo vệ chặt chẽ những loài nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam.

Thêm vào đó, năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng cũng đã được nâng cao rất nhiều so với 10 năm trước. Theo khảo sát của ENV, tại 6 đô thị lớn, các vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã trái phép đã giảm gần 1/3.

Số lượng gấu bị nuôi nhốt tại các trang trại đã giảm gần 70%... Nói về những bước tiến của Việt Nam, bà Bùi Thị Hà đánh giá: “Chúng ta có quyền tự hào vì Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng đó chỉ trong vòng một thập kỷ.”

Một trong những tình trạng đáng lo ngại đối với việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm hiện nay là việc cấp phép cho gây nuôi thương mại đối với các loài hổ, gấu…

Theo các nhà khoa học, việc hợp pháp hóa hoạt động gây nuôi thương mại và buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm là “con đường dẫn đến sự tuyệt chủng”.

Hiện các sản phẩm từ động vật hoang dã đang bị cấm buôn bán, tiêu thụ, nếu một khi cho phép lưu hành các sản phẩm từ các cá thể gây nuôi thương mại thì nó sẽ kích thích thị trường tiêu thụ sản phẩm này phát triển, các loại sản phẩm này sẽ bị đội lốt lẫn nhau và động vật hoang dã quý hiếm sẽ trở thành đối tượng bị săn lùng, săn bắt trái phép. Hơn nữa, việc bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm không thể diễn ra song hành với hoạt động gây nuôi thương mại những loài này.

Gần đây Việt Nam đã tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi và hơn 70 kg sừng tê giác tang vật của các vụ án, đó là một hành động thể hiện rất rõ cam kết và quyết tâm trong việc chống nạn buôn bán loài hoang dã. Một khi những sừng tê giác, ngà voi bị bắt giữ sau đó không được tiêu hủy thì đó là một sự dung dưỡng cho thị trường tiêu thụ các sản phẩm bất hợp pháp này.

Tuyên bố Hà Nội được đưa ra trong Hội nghị lần này sẽ một lần nữa thể hiện quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc chống lại nạn buôn bán các loài hoang dã.

Trong đó, đối với Việt Nam trong thời gian tới, cần có những thay đổi tích cực hơn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi hiệu quả pháp luật cũng như vận động ý thức từ cộng đồng trong việc xóa bỏ thói quen tiêu thụ động vật, thực vật hoang dã.

Trong thời gian tới, hy vọng với quyết tâm cao ở tầm quốc gia và sự nghiêm minh của các cơ quan thực thi pháp luật, nhắc đến Việt Nam, đối với cộng đồng quốc tế không còn là hình ảnh một quốc gia tiêu thụ và là trạm trung chuyển động vật hoang dã. Đó là một định kiến mà chúng ta cần phải nỗ lực phấn đấu để xóa bỏ.

Ngọc Anh

Từ khóa

động vật hoang dã bảo tồn chống buôn bán

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/viet-nam-cam-ket-chong-buon-ban-dong-vat-trai-phap-luat/135347