Viện KSND Tối cao chỉ ra hàng loạt sai phạm của chấp hành viên

Liên quan tới khiếu nại của Công ty Cổ phần Trung Nam (Cty Trung Nam) và Công ty Đông Nam Việt Nam 100% vốn Hàn Quốc (Cty Đông Nam - đơn vị thuê nhà xưởng của Cty Trung Nam), Viện KSND Tối cao đã ban hành Văn bản số 3975 ngày 3/10/2016 chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc kê biên và xử lý tài sản của Cty Trung Nam.

Nhà xưởng và QSDĐ của Cty Trung Nam đã bị cưỡng chế giao cho bên trúng đấu giá. Ảnh: Chu Tuấn

Viện KSND Tối cao nhận thấy: Thứ nhất, đây là việc thi hành án (THA) kéo dài, có nguyên nhân khách quan là các quy định của pháp luật có liên quan tới hoạt động THA chưa được hoàn chỉnh, thống nhất, dẫn đến nhận thức và áp dụng khác nhau giữa các cơ quan có trách nhiệm.

Nguyên nhân chủ quan là chấp hành viên (CHV) không xác minh đầy đủ, chính xác tài sản của người phải THA, dẫn đến thời gian đầu sau khi ra quyết định THA, CHV tổ chức xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế không đúng đối tượng, nên sau đó phải hủy bỏ biện pháp cưỡng chế đối với tài sản là căn nhà 129 Lê Hồng Phong, quận 5.

Ngoài ra, do hồ sơ không thể hiện nên không xác định được việc CHV có xác minh và áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các khối tài sản khác của người phải THA…

Thứ hai, thời điểm các cơ quan THA dân sự (THADS) ra Quyết định số 457 ngày 8/1/2008 áp dụng biện pháp kê biên đối với 4.721m2 đất, Thông tư liên tịch số 12/2001 và Nghị định số 164/2004 là 2 văn bản được cho là có hiệu lực (mặc dù có ý kiến khác nhau về vấn đề hiệu lực của Thông tư 12/2001); trong đó, Nghị định số 164/2004 là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn… Trong trường hợp này, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật thì Cơ quan THADS phải áp dụng Nghị định 164/2004 chứ không áp dụng Thông tư 12/2001.

Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 12/2001 quy định CHV sau khi kê biên tài sản đã giao dịch sau khi có bản án, quyết định của tòa án thì cần có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch đó. Tại thời điểm Cơ quan THADS ban hành Quyết định cưỡng chế kê biên số 457 ngày 8/1/2008 thì diện tích đất kê biên đã được chuyển nhượng cho Cty Trung Nam. Số tiền chuyển nhượng này cũng đã được Cty Trung Nam 1 là bên phải THA nộp cho Cơ quan THADS. Việc chuyển nhượng này đã có hiệu lực pháp luật, Cty Trung Nam là bên nhận chuyển nhượng đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tiếp tục được thuê đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Hợp đồng chuyển nhượng này không bị pháp luật cấm. Việc chuyển nhượng này chỉ bị hủy bởi cơ quan có thẩm quyền (hoặc là bởi cơ quan đã cấp GCNQSDĐ, hoặc là tòa án).

Trong việc THA này, Cơ quan THADS có văn bản đề nghị UBND TP thu hồi lại GCNQSDĐ của Cty Trung Nam, nhưng mãi tới tháng 3/2016 mới có văn bản của Sở Tài nguyên Môi trường về việc chấm dứt hợp đồng thuê đất và hủy bỏ nội dung đăng ký thay đổi chủ SDĐ, hủy bỏ nội dung chuyển quyền sở hữu trên các chứng từ liên quan hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất thuê của Cty Trung Nam.

Trong thời gian chưa có văn bản thu hồi của UBND TP thì Cơ quan THADS đã tổ chức định giá, bán đấu giá thành tài sản THA và liên tục yêu cầu Cty Đông Nam trả lại diện tích đất mà họ đã thuê của Cty Trung Nam làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc Cơ quan THADS tổ chức các hoạt động THA sau khi kê biên QSDĐ hơn 4.700m2 đất cho đến trước khi UBND TP có quyết định chấm dứt hợp đồng thuê đất với Cty Trung Nam là vượt quá quyền hạn của Cơ quan THADS, không phù hợp với các quy định của pháp luật về THADS.

Cũng theo Viện KSND Tối cao, Cơ quan THADS vừa kê biên tài sản là QSDĐ, vừa cho rằng giao dịch chuyển nhượng QSDĐ giữa Cty Trung Nam và Cty Trung Nam I là không có hiệu lực (quyết định thay cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền); vừa quyết định việc thuê đất giữa Cty Trung Nam với Cty Đông Nam là không hợp pháp. Đây là những hành vi vượt quá thẩm quyền của Cơ quan THADS…

Viện KSND Tối cao chỉ ra hàng loạt sai phạm của CHV. Ảnh: Chu Tuấn

Thứ ba, khi Cơ quan THADS ban hành quyết định cưỡng chế kê biên thì bên phải THA đã chuyển nhượng và đã nộp số tiền chuyển nhượng đó cho Cơ quan THADS (đã nhận). Lẽ ra, khi có Thông tư 14/2010 thì việc kê biên phải bị hủy bỏ vì không còn phù hợp với quy định hiện hành nhưng Cơ quan THADS vẫn tiếp tục xử lý tài sản đã kê biên là không phù hợp với Thông tư 14/2010…

Trước những vi phạm nêu trên, Viện KSND Tối cao đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến vi phạm như: Các CHV được phân công thụ lý việc THA này không tiến hành xác minh toàn diện, đầy đủ, kịp thời tài sản của người phải THA, dẫn đến việc kê biên tài sản không đúng đối tượng, sau phải hủy bỏ; do đó, để thời gian kéo dài, khi tiến hành xác minh và kê biên tài sản khác thì tài sản này đã chuyển nhượng hợp pháp, dẫn đến việc kê biên bị khiếu nại.

Viện KSND Tối cao chỉ rõ, nhận thức của CHV đối với quy định pháp luật còn hạn chế, dẫn đến áp dụng luật không chính xác, không đúng nguyên tắc pháp chế. Trong việc này, CHV nhận thức chưa đầy đủ quy định của pháp luật về THA và các quy định có liên quan như Thông tư 12/2001, Nghị định 164/2004, Thông tư 14/2010…

Cuối cùng, Viện KSND Tối cao kết luận rằng quá trình THA của Cơ quan THADS TP HCM có vi phạm; việc chỉ đạo nghiệp vụ của cơ quan nghiệp vụ có thẩm quyền ở Trung ương có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật; việc báo cáo của các cơ quan có trách nhiệm với cấp có thẩm quyền có phần chưa đầy đủ. Tuy nhiên, việc THA đã được báo cáo và có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ), việc khắc phục hậu quả của các vi phạm liên quan đến nhiều cơ quan Nhà nước, liên quan đến các bên THA và đến việc xử lý tài sản đã bán đấu giá thành, do vậy đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành giám sát việc THA này…

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin tiếp vụ việc.

Chu Tuấn

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/vien-ksnd-toi-cao-chi-ra-hang-loat-sai-pham-cua-chap-hanh-vien_t114c39n121316