Viễn cảnh bế tắc của bầu cử Mỹ

Nếu hai ứng viên chính không đạt số phiếu quá bán thì người đứng đầu Nhà Trắng có thể là một người hoàn toàn khác.

Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang đến hồi gay cấn và các khảo sát cho thấy tỉ lệ ủng hộ khá sát sao dành cho ông Donald Trump cũng như bà Hillary Clinton. Đây là điều hiếm thấy trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ và đặt ra một câu hỏi lớn mà nhiều người trước đây chưa từng nghĩ đến. Đó là việc ai sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nếu cả hai đều không thể giành được đủ 270 phiếu đại cử tri.

Lưỡng bại câu thương

Theo Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ, người Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống mà thông qua 538 đại cử tri mà họ bầu chọn ở các bang. Vào ngày 8.11, họ bỏ phiếu bầu chọn ứng viên tổng thống và phó tổng thống, đồng thời cũng bầu chọn đại cử tri. Các đại cử tri trước đó cũng nói rõ họ sẽ bầu cho ông Trump hay bà Clinton, cũng như vị trí phó tổng thống. Ngày 19.12, những đại cử tri sẽ tiến hành bầu chọn. Đến tháng 1 năm sau, quốc hội sẽ kiểm phiếu để xác định người chiến thắng, tức ứng viên đã giành ít nhất 270 phiếu đại cử tri.

Trước sự cạnh tranh gắt gao giữa ông Trump và bà Clinton, truyền thông thế giới bắt đầu đưa ra khả năng cả hai chia đôi số phiếu đại cử tri, mỗi người 269 phiếu, hoặc thậm chí không ai đạt đến số phiếu này do ứng viên thứ 3 giành một tỷ lệ nhất định. Theo Tu chính án thứ 12 của Mỹ, nếu không ứng viên nào giành được ít nhất 270 phiếu, Hạ viện sẽ bỏ phiếu cho vị trí tổng thống từ 3 ứng viên tổng thống có số phiếu đại cử tri cao nhất.

Theo bài phân tích trên tạp chí Time, nếu cả ông Trump lẫn bà Clinton đều không đạt 270 phiếu đại cử tri, mỗi đoàn đại biểu của mỗi bang tại Hạ viện sẽ có một phiếu bầu để tiến hành bầu lại. Lá phiếu bầu cho ai sẽ được quyết định tại một cuộc bỏ phiếu trước đó của tất cả các hạ nghị sĩ đại diện cho bang đó. Điều này cho phép đảng chiếm ưu thế tại từng đoàn đại biểu mỗi bang bỏ phiếu theo ý mình.

Bà Clinton dù có nhiều lợi thế nhưng vẫn chưa thể nắm chắc phần thắng

Không Clinton, không Trump

Hiện tại, đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với ưu thế tại 33 bang, so với 14 bang phía đảng Dân chủ chiếm ưu thế và 3 bang khá cân bằng là New Hampshire, Maine và New Jersey. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là ông Trump sẽ có lợi hơn từ kết quả bầu cử “hòa”. Vì quốc hội mới sẽ bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 3.1.2017 có thể thay đổi đáng kể. Time cũng nhận định ông Trump không được ưa thích trong chính đảng Cộng hòa. Do đó, cũng có khả năng 2 đối thủ này lại “bất phân thắng bại” khi giành số phiếu đều nhau từ Hạ viện, mỗi người 25 phiếu.

Nếu rơi vào trường hợp này thì cả ông Trump lẫn bà Clinton sẽ vuột mất chiếc ghế đứng đầu Nhà Trắng. Theo Tu chính án thứ 20, nếu Hạ viện không chọn được tổng thống trước ngày 20.1, phó tổng thống đắc cử sẽ trở thành quyền tổng thống. Phó tổng thống này là người được Thượng viện bầu ra theo quy trình độc lập với quy trình bầu tổng thống của Hạ viện.

Ông Trump cũng không dễ gì giành đủ 270 phiếu đại cử tri

Time dẫn lời ông Amy Bunk, một luật sư tại Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ, cho biết nếu đảng Dân chủ kiểm soát được Thượng viện theo dự đoán của nhiều nhà quan sát thì thượng nghị sĩ Tim Kaine có cơ hội trở thành tổng thống trong trường hợp “bất phân thắng bại” kể trên. Nếu đảng Cộng hòa duy trì kiểm soát thì Thống đốc bang Indiana Mike Pence sẽ chiếm chỗ. Tình huống hiếm hoi nhất, nếu Thượng viện không bầu được thì ngôi vị tổng thống Mỹ thứ 45 sẽ được trao cho chủ tịch Hạ viện mới. Lúc đó ông Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm, sẽ có cơ hội trở thành tổng thống nếu vẫn tiếp tục tại vị.

Trong khi đó, theo tờ Huffington Post, ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa Mike Pence trong một cuộc phỏng vấn mới đây đã né tránh câu hỏi liệu ông Trump có chấp nhận rút lui nếu thất cử. Trước đó, ông Trump đã gây bất ngờ khi tuyên bố “tới đó rồi tính” khi được hỏi về vấn đề trên. Thậm chí ông còn nói ông chỉ chấp nhận kết quả bầu cử nếu ông thắng. Trong chương trình Fox News chủ nhật, người dẫn chương trình Chris Wallace lặp lại câu hỏi trên và ông Pence đã trả né trả lời trực tiếp: “Donald Trump sắp thắng cử lần này. Ông ấy sẽ rất vui sướng chấp nhận kết quả đó”.

Sau khi ông Wallace nhấn mạnh lại liệu ông Trump có “để mọi chuyện qua một bên” không nếu ông không giành chiến thắng, ông Pence tiếp tục trả lời khéo: “Phía vận động tranh cử đã nói rõ, chắc chắn cả hai bên đều chấp nhận một kết quả rõ ràng”. Liên danh của ông Trump còn cho biết thêm cả hai bên đều có quyền nhờ luật pháp can thiệp trong trường hợp kết quả bầu cử gây tranh cãi.

Trường hợp hiếm hoi trong bầu cử Mỹ

Năm 1800, Hạ viện Mỹ chọn Thomas Jefferson làm tổng thống thứ 3 sau khi cả ông và ứng viên Aaron Burr giành được số phiếu đại cử tri bằng nhau là 73. Năm 1824, Hạ viện Mỹ chọn John Quincy Adams làm tổng thống thứ 6 dù trước đó ông này chỉ giành được 84 phiếu so với 99 phiếu của Andrew Jackson. Jackson sau này đã phục hận Adams trong cuộc bầu cử năm 1828 khi đánh bại ông này để trở thành tổng thống thứ 7 của Mỹ.

Khánh An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/vien-canh-be-tac-cua-bau-cu-my-763048.html