Việc nhiều, khuyến nông cơ sở chỉ nhận được 442.000 đồng/tháng

Là những người thường xuyên công tác ở vùng khó khăn, trình độ canh tác và áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế... khiến đội ngũ khuyến nông viên (KNV) cơ sở lúc nào cũng bộn bề với công việc. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ cho lực lượng này quá ít ỏi; nhiều người dù có tâm huyết nhưng vì thu nhập thấp đã không trụ lại với nghề...

Việc nhiều, phụ cấp chỉ 442.000 đồng/tháng

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Trị - cán bộ khuyến nông xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, mỗi tháng cán bộ khuyến nông xã triển khai rất nhiều công việc khác nhau, chưa lo xong chống rét cho mạ, lúa lại quay sang phối hợp cán bộ thú y tuyên truyền bà con tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tập huấn xây dựng mô hình… Trong khi đó, địa bàn xã khá rộng với diện tích tự nhiên 33,3 km2, chia thành 27 xóm dân cư nên mỗi lần có chương trình, anh chỉ ước một ngày kéo dài thêm vài tiếng đồng hồ để làm cho hết việc.

Các cán bộ khuyến nông tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật tái canh cà phê tại Viện KHKT
nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: Ái Liên

Ở những huyện đồng bằng như Nghi Lộc, đội ngũ cán bộ khuyến nông còn đỡ vất vả, với những vùng dân tộc miền núi, biên giới như tỉnh Hà Giang thì cán bộ KNV gặp trăm nghìn khó khăn. Anh Nguyễn Văn Tú – Trưởng phòng Thông tin Huấn luyện (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang) nói như đùa: “Đối với cán bộ khuyến nông thôn bản, có lẽ chỉ có tình yêu, tâm huyết lớn lao với nghề mới đủ giữ chân họ với công việc. Hiện toàn tỉnh Hà Giang có 1.961 cán bộ khuyến nông thôn bản, đối tượng này được hưởng phụ cấp 0,4, nhân với mức lương cơ bản 1.105.000 đồng/tháng, nghĩa là họ chỉ được hưởng khoảng 442.000 đồng/tháng”.

Anh Tú cũng cho biết, đến nay anh làm cán bộ khuyến nông đã được 15 năm. Mặc dù tốt nghiệp đại học, song mức lương anh nhận được hiện cũng chỉ 4,9 triệu đồng/tháng. “Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 190 cán bộ khuyến nông cấp xã trên tổng số 195 xã, phường. Lực lượng này được hưởng lương như cán bộ công chức, song các cán bộ khuyến nông bán chuyên trách chỉ được hưởng phụ cấp 0,8, tức khoảng 884.000 đồng/tháng. Vì thu nhập quá thấp nên hầu hết cán bộ KNV làm với trách nhiệm là chính, ai cũng phải liệu cơm gắp mắm, làm thêm nhiều việc, nuôi thêm lợn gà mới đủ trang trải cuộc sống” – anh Tú nói.

Tương tự, anh Lò Văn Dương - cán bộ khuyến nông xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) chia sẻ: “Tôi làm cán bộ khuyến nông từ năm 2006, trước làm ở xã Bản Công, từ năm 2012 chuyển về xã Xà Hồ. Địa bàn nào cũng khó khăn, cách trở như nhau. Công việc phải đi lại về thôn, bản liên tục. Nhưng ngoài khoản lương chưa đến 4 triệu đồng/tháng, cộng với mấy trăm ngàn tiền xăng hỗ trợ/năm, chúng tôi không có thêm bất cứ khoản phụ cấp nào. Tính trung bình mỗi ngày tôi phải đi lại ít nhất 10km, hết 1 lít xăng gần 20.000 đồng, chưa kể chi phí ăn uống, hư hỏng xe cộ. May tôi là cán bộ trong biên chế và sinh ra, lớn lên ở huyện Trạm Tấu nên cũng đỡ. Các anh em khác làm hợp đồng, thu nhập thấp còn phải đi thuê nhà trọ ở thị trấn thì không thể trang trải nổi”.

Không thể tuyển được người giỏi

Anh Lò Văn Dương cho biết thêm, với cơ chế phụ cấp như hiện nay, vai trò của KNV cơ sở chưa thể phát huy, cũng như chưa thể đáp ứng hết yêu cầu của công việc tại địa bàn. Với mức thu nhập thấp như vậy, muốn tuyển dụng được người có trình độ vào làm rất khó, không ai có đủ tâm huyết, động lực để làm việc, nhất là lớp trẻ đã được qua đào tạo. Không tuyển được người, chỉ có cách kiêm nhiệm và đương nhiên khi kiêm nhiệm nhiều quá, sẽ khó tránh khỏi công việc bị sao nhãng.

Cán bộ khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cùng trao đổi kỹ thuật chăm sóc cá lồng với nông dân Nguyễn Hữu Tân (ngoài cùng bên phải) ở TP. Tuyên Quang. Ảnh: Thiên Ngân

Anh Hà Sông Thao – Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trạm Tấu chia sẻ thêm: “Nói về khó khăn của KNV cơ sở ở huyện miền núi thì nhiều vô kể. Người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tiếng phổ thông vẫn còn hạn chế, chưa chủ động áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, không ít bà con vẫn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí để triển khai các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật thấp hoặc không có... Mức lương của anh em cán bộ chỉ từ 3,5 – 3,7 triệu đồng/người/tháng, còn cán bộ hợp đồng chỉ 1,2 triệu/đồng/tháng, nên đời sống nhìn chung còn rất nhiều khó khăn”.

Theo anh Nguyễn Văn Tú, so với cán bộ các ngành nghề khác, thu nhập của KNV có sự chênh lệch lớn. Cùng bằng cấp như nhau nhưng lương KNV cơ sở lại thấp hơn vì không có phụ cấp ngành cũng như phụ cấp công vụ, trong khi cùng khối lượng công việc như nhau song ngành thú y, bảo vệ thực vật lại được quan tâm hơn. Anh Tú cũng cho biết, nhiều người mặc dù rất thích công việc KNV, song do thu nhập không đảm bảo trang trải cuộc sống nên phải bỏ nghề.

“Nhiều lúc nhìn đồng nghiệp lĩnh lương nhiều hơn mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Cũng do chế độ đãi ngộ thấp nên đội ngũ KNV trên địa bàn trình độ không đồng đều, chủ yếu mới được đào tạo ở trình độ trung cấp, sơ cấp; một số người chưa từng qua đào tạo chuyên môn. Thậm chí ở một số nơi, do không thể tuyển được người có trình độ nên chúng tôi phải vận động những người có uy tín trong thôn bản đứng ra làm kiêm nhiệm. Có người mới học hết lớp 9 nên việc tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật cho bà con cũng bị hạn chế” – anh Tú nói.

Theo Thông tư số 04/2009/TT-BNN của Bộ NNPTNT, cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã gồm 5 chức danh: Bảo vệ thực vật, thú y, thủy lợi, khuyến nông và công chức kiểm lâm. Trong đó nhân viên thú y cấp xã được giao 11 nhiệm vụ ở cơ sở, nhiều nhất trong 5 loại cán bộ theo dõi mảng nông nghiệp ở cấp xã. Thú y cấp xã được hỗ trợ bằng hệ số 1 so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/viec-nhieu-khuyen-nong-co-so-chi-nhan-duoc-442000-dong-thang-758004.html