Việc lập lại trật tự đô thị có chiều hướng buông lỏng

Sau hơn hai tháng ra quân lập lại trật tự đô thị theo Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 197 ngày 3-3-2017 của Ban Chỉ đạo 197, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh giảm hẳn. Sáng 15-5, các tuyến phố ở khu vực trung tâm thành phố như Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang… hàng hóa, xe máy của người dân hoặc khách mua hàng đều được bố trí để hẳn vào trong nhà, dành toàn bộ vỉa hè phong quang cho người đi bộ. Tại các tuyến phố khác như: Phố Huế, Bà Triệu, Kim Mã, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… xe máy, xe đạp được xếp ngay ngắn trong phần diện tích đã được kẻ vạch, dành lối đi cho người đi bộ. Tuy nhiên, nền nếp này chỉ được duy trì ở những đường, phố chính ở khu vực trung tâm thành phố trong giờ hành chính, vào buổi tối hoặc những ngày nghỉ cuối tuần, các vi phạm lại tái diễn, nhất là tại các tuyến phố có nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà-phê, giải khát như: Triệu Việt Vương, Tô Hiến Thành, Trần Xuân Soạn, Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Hữu Huân, Quán Sứ, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây (quận Hoàn Kiếm), Trích Sài (quận Tây Hồ)...

Thực tế này cho thấy, bên cạnh những hộ kinh doanh tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trong việc sử dụng lòng đường, hè phố, vẫn có không ít hộ chấp hành theo kiểu đối phó. Khi các lực lượng chức năng làm "căng" thì các hộ này chấp hành nhưng chỉ vắng bóng lực lượng chức năng, họ lại vi phạm. Về phía chính quyền và các cơ quan quản lý, sau những ngày đầu triển khai quyết liệt, tại một số địa phương, chính quyền và các cơ quan quản lý cấp cơ sở có phần sao nhãng, buông lỏng việc giám sát, xử lý hành chính, việc triển khai không thường xuyên, liên tục, dẫn đến tâm lý nhờn luật của người dân. Mặt khác, cho đến thời điểm này, thành phố vẫn chưa đưa ra những giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm những vấn đề phát sinh trong việc lập lại trật tự đô thị, trong đó nổi lên là vấn đề việc làm, thu nhập cho những người mưu sinh trên vỉa hè; cũng như xây dựng, bố trí các điểm trông giữ xe máy cho người dân. Chính vì vậy, vi phạm lại tái diễn.

Đề cập về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: "Chúng ta đừng nghĩ chỉ làm một, hai ngày là xong, đừng làm theo phong trào, phải làm thường xuyên, kiên trì, bền bỉ, vì các vi phạm diễn ra hằng ngày, hằng giờ". Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở và người đứng đầu trong việc duy trì, bảo đảm trật tự văn minh đô thị. Để thực hiện việc này, điều quan trọng nhất phải đưa việc người dân chấp hành quy định của pháp luật về trật tự đô thị thành nếp văn hóa. Đây không phải là việc dễ khi mà ý thức một bộ phận dân cư và cả lãnh đạo phụ trách địa bàn chưa thông suốt. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn để mỗi người dân, nhất là các hộ kinh doanh nâng cao ý thức, tự giác thực hiện các quy định. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, việc xử phạt cũng là cần thiết, đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát chéo giữa các phường trong quận, giữa các quận với nhau, giải tỏa những bất cập trong công tác quản lý đô thị, tạo chuyển biến thật sự rõ nét trong trật tự đô thị ở Thủ đô.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/32879102-viec-lap-lai-trat-tu-do-thi-co-chieu-huong-buong-long.html