Việc làm thầm lặng của 'ông cột mốc' nhiều năm nay thật đáng quý!

Tôi ngạc nhiên thấy một người đàn ông chừng 60 tuổi đang lui cui dọn dẹp, lau chùi cột mốc. Thấy chúng tôi, ông dừng tay ngẩng đầu chào bằng nụ cười hiền khô. Anh Hồng giới thiệu: “Đây là anh Quá, nông dân xã Lộc Thạnh, người giúp chúng tôi rất nhiều...”.

Ông Quá đang làm công việc khiến ông cảm thấy hạnh phúc

Từ 5 năm nay, đều đặn mỗi tháng 2 lần, người đàn ông ấy lại lặng lẽ khăn gói đi gần 20km lên dọn cỏ, lau chùi, làm vệ sinh cột mốc số 74 ở xã biên giới Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh. Người ta bảo ông “khùng”, ông cười, bảo: “Mỗi người có suy nghĩ, lý lẽ riêng của mình. Với tôi, đây là niềm vui, là trách nhiệm”. Ông là Lê Văn Quá, ở xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước.

Cuộc đời đâu chỉ mỗi kiếm tiền

Trong chuyến công tác ở vùng biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, tôi được anh Nguyễn Quốc Tăng, cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước giới thiệu và dẫn vào thăm cột mốc biên giới số 74, ở xã Lộc Thạnh.

Sau khi đến đồn Biên phòng Chiu Riu (số hiệu 803), đơn vị quản lý cột mốc 74 để xin phép, chúng tôi theo chân anh Thanh Hồng, cán bộ đồn biên phòng, cuốc bộ, len lỏi gần 2 cây số đường mòn mới đến khu vực cột mốc. Đến nơi, tôi ngạc nhiên thấy một người đàn ông chừng 60 tuổi đang lui cui dọn dẹp, lau chùi cột mốc.

Đường lên khu vực biên giới Lộc Ninh, Bình Phước hôm nay

Thấy chúng tôi, ông dừng tay ngẩng đầu chào bằng nụ cười hiền khô. Anh Hồng giới thiệu: “Đây là anh Quá, nông dân xã Lộc Thạnh, người giúp chúng tôi rất nhiều trong việc chăm sóc, bảo vệ cột mốc này”.

Dưới ánh nắng gay gắt, chiếc áo bộ đội rằn ri ông mặc ướt đẫm mồ hôi. Lúc chúng tôi đến, công việc của ông dường như sắp hoàn thành, khi xung quanh cột mốc, các loại cây, cỏ dại đã được dọn sạch, còn ông đang chân trần đứng bên cột mốc, chiếc khăn màu trắng trên tay ông đang lau sạch bụi bám trên cột mốc. Thỉnh thoảng, ông lại ngừng tay, cúi sát đôi mắt nhìn vào một điểm nào đó trên bề mặt đá hoa cương. Ông làm chầm chậm, tỉ mỉ, chẳng để ý đến ánh nắng chói chang trên đầu đang xuyên qua chiếc nón lưỡi trai ông đang đội.

Sau khi nghe anh Hồng giới thiệu, ông quay sang tôi cười, nói bằng giọng Bắc đặc sệt: “Ôi giời, việc này có đáng gì đâu mà nói. Bữa trước cũng có cô phóng viên đến hỏi chuyện, tôi chả biết nói gì sấc. Không biết cô ý có buồn tôi không”, khiến tôi không khỏi bật cười, nghĩ ông là người hiền lành, chất phác, và dễ gần, vui tính.

Ông Quá sinh năm 1964 ở huyện An Lão (Hải Phòng), trong một gia đình nghèo, đông con, ruộng ít, nên dù chịu thương chịu khó, vẫn nghèo. Đầu năm 1990, ông khăn gói Nam tiến và dừng chân lập nghiệp ở vùng đất biên giới Lộc Ninh.

“Hồi mới đến, tôi chỉ có 2 bàn tay trắng nên phải làm “thợ đụng”, tức bất kể việc gì cũng làm, từ thu hái điều, tiêu, dọn cỏ vườn đến phu hồ. Cứ thế, đến năm 2000 thì tôi có tiền cưới vợ, rồi mua được mấy sào đất trồng tiêu, chăn nuôi. Bây giờ vợ chồng tôi cũng chỉ đủ ăn chứ chưa tích cóp để dành được gì”, ông tâm sự.

“Vậy thời gian lên đây làm không công, chú nghĩ cách làm kiếm tiền có hay hơn không?”, tôi ướm hỏi. Nghe vậy, ông ngừng tay, nói: “Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng chỉ mỗi việc kiếm tiền. Còn những việc khác để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình ngoài kiếm tiền chứ”.

Rồi ông kể về cơ duyên khiến ông gắn bó với cây cột mốc này. Một lần, khoảng đầu năm 2011, trong lần đi làm phụ người quen ngang qua đây, ông thấy mấy anh bộ đội đang dọn dẹp, lau chùi cột mốc nên tò mò ghé vào hỏi chuyện. Khi đứng ngay cạnh cột mốc, mấy chú bộ đội cười bảo: “Chú bước vài bước chân nữa là sang nước bạn Campuchia rồi đấy”. Lúc ấy, trong lòng ông tự nhiên thấy nôn nao khó tả, cảm giác rất lạ.

"Tôi lại sờ vào 2 chữ Việt Nam, tự nhiên thấy rưng rưng. Lúc ấy, tôi bảo mấy chú bộ đội là nhà tôi gần đây, việc lau chùi, dọn cỏ, phát quang quanh cột mốc để tôi làm cho, mấy chú cứ lo việc nhớn đi. Mấy chú bảo, cột mốc này quan trọng lắm, mình phải tuần tra, kiểm soát thường xuyên để nếu phát hiện bất thường còn xử lý kịp”, ông Quá nhớ lại.

Sau lần ấy, đều đặn 2 tuần 1 lần, ông lại khăn gói hành trang gồm dao đi rẫy, chổi cây, khăn lau, cuốc, và cơm nắm… lên đây làm bạn với cột mốc. Sau khi làm xong nhiệm vụ, ông lại ghé đồn biên phòng 803 báo cáo tình hình cột mốc.

Ông Quá đang làm công việc khiến ông cảm thấy hạnh phúc

Cũng từ khi ấy, ông có dịp tiếp xúc, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Chiu Riu, được nghe họ nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của cột mốc. Ông như vỡ lẽ ra nhiều điều. Cũng từ đó, ngoài công việc bảo vệ đường biên, cột mốc, ông còn tích cực làm công tác dân vận. Bởi sống ở đây đã lâu nên ông nắm rõ địa bàn, hiểu phong tục, tập quán vùng đồng bào dân tộc.

Ông thường xuyên cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Chiu Riu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp bà con hiểu về Luật Biên giới quốc gia, quy chế biên giới, để người dân tự giác chấp hành và kịp thời phát hiện, tố giác các phần tử có những hành vi làm sai lệch đường biên, cột mốc biên giới, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Với những nỗ lực của bản thân, thời gian qua, ông và người dân sống trên địa bàn đã cung cấp cho Đồn Biên phòng Chiu Riu và các đơn vị chức năng hơn 100 tin, liên quan đến công tác phòng chống tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự khu vực, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn sinh sống.

"Cột mốc cũng có hồn"

Khi mặt trời đứng giữa đỉnh đầu cũng là lúc công việc của ông Quá hoàn thành. Lấy tay áo quệt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên mặt, uống một hơi cạn chai nước lọc, xong ông ngồi bệt xuống bên cạnh cột mốc, nét mặt khoan khoái lắm.

“Cột mốc nó cũng có hồn đấy chú ạ”, ông Quá chợt nói bằng nét mặt rất nghiêm túc. Ngừng vài giây, ông nói tiếp: “Mấy năm nay, từ khi làm công việc này, tự nhiên tôi thấy hình như sức khỏe tốt hơn ra. Cứ mỗi lần chuẩn bị hành trang lên đây là thấy tinh thần phấn chấn lắm. Một lần, tôi lên dọn dẹp xong, lúc đi bộ ra chẳng may trượt chân, ngã lăn xuống dưới cả chục mét, thế mà chẳng va đập gì mạnh, người chỉ trầy xước sơ sơ.

Một lần khác, đang về thì xe máy xẹp bánh giữa đoạn đường vắng, trời lại đang chuyển mưa. Tôi nghĩ thầm chắc phải quăng xe vào vụi đi bộ về chứ làm sao dắt bộ xe cả chục cây số? Mà nếu dầm mưa, về ốm chắc. Tôi vừa nghĩ xong thì nghe tiếng động cơ xe ô tô. Nhìn lại đằng sau thấy chiếc xe công nông đang đến. Thế là tôi đi nhờ xe ra đến đường lớn, có tiệm vá xe, vừa yên vị trong tiệm sửa xe thì mưa trút xuống. Đấy có phải là tình cờ không?”.

“Cột mốc này xây năm 2010, cái gì mới cũng có thể gây sự tò mò, nhiều khi chỉ là sự phá phách vô thức chứ không có chủ ý. Thêm nữa là mới xây nên cũng cần kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện sự cố như lún, nứt. Vì vậy, thời gian đầu phải tuần tra, giám sát thường xuyên. Anh Quá là người giúp chúng tôi rất nhiều trong việc này”, anh Hồng nói.

Đứng ở nơi chỉ cần bước thêm 1 bước chân nữa là đã ở trên đất của một quốc gia khác, cảm giác nôn nao thật khó tả. Có lẽ, chỉ khi đứng ở vị trí này, mới cảm nhận hết được ý nghĩa của 2 chữ chủ quyền, mới thấy hết sự thiêng liêng của 2 từ Tổ quốc. Và chỉ khi ở ngay bên cột mốc chủ quyền, mới hiểu vì sao ông nông dân Lê Văn Quá lại làm như thế.

“Cột mốc 74 nằm ở vị trí mũi tàu, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, và cũng là điểm khá nhạy cảm. Chính vì thế, việc làm thầm lặng của ông Quá từ mấy năm nay rất đáng quý. Anh Quá cũng là người góp công lớn trong việc tuyên truyền, vận động bà con địa phương hiểu thêm, có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biên giới”, Trung tá Phạm Văn Đoàn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chiu Riu.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/viec-lam-tham-lang-cua-ong-cot-moc-nhieu-nam-nay-that-dang-quy-post173471.html