Việc cần làm ngay

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bì...”. Ngay sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu giải pháp và khẳng định: Văn phòng Chính phủ sẽ không mở cửa, không tiếp lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp đến chúc Tết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bì...”. Ảnh: http://www.mogo.vn/images/gqt23.jpg

Ngày 19/12, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã ký ban hành Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay nhằm tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Theo đó, thứ nhất, nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác… để ăn uống, “tiệc tùng”, tặng, nhận quà với động cơ vụ lợi. Thứ hai, việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng để “biếu xén”, đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, “chè chén” xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội. Thứ ba, khi có đoàn công tác đến địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí…

Nhìn lại thời gian qua, chúng ta đã quá lãng phí thời gian và tiền bạc trong các cuộc tổ chức đưa đón, hội nghị, tổng kết… tạo dựng một sự hoành tráng không tương xứng với hiệu quả công việc, gây phản cảm lớn bởi trong đời sống vẫn còn rất nhiều người nghèo.

Những việc cần làm ngay trong quy định của Bộ Chính trị là những việc khó, phức tạp, đụng chạm đến rất nhiều quan hệ trong đời sống kinh tế - xã hội và cả những phong tục tập quán vốn tồn tại lâu đời trong nhân dân.

Quy định là vậy, nhưng thực hiện quy định đạt kết quả đến mức nào lại phụ thuộc vào ý thức tự giác chấp hành của mỗi cán bộ, đảng viên và vai trò kiểm tra, giám sát trong mỗi tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp… Tổ chức kiểm tra giám sát như thế nào để đạt hiệu quả? Xử lý như thế nào đối với cá nhân và tổ chức vi phạm để đủ sức răn đe?

Nếu quy định này chỉ giới hạn trong phạm vi tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, vậy thì những đối tượng cán bộ không thuộc biên chế của Nhà nước sẽ xử lý ra sao và những người dân? Cần phải tổ chức, tuyên truyền, giải thích vận động để toàn dân tham gia. Có thế, không chỉ dừng lại ở phạm vi cán bộ, đảng viên giám sát lẫn nhau mà toàn dân cùng có trách nhiệm tham gia giám sát.

Quy định của Bộ Chính trị được ban hành trong thời điểm hiện nay có tác động mạnh, bởi tháng trước Tết, tần suất các cuộc hội nghị, tổng kết, gặp gỡ, chúc Tết… diễn ra dày đặc, thậm chí cùng một ngày diễn ra nhiều “sự kiện”.

Đành rằng thay đổi những thói quen, tập tục là khó, nhưng không có nghĩa khó mà không quyết tâm. Đặc biệt, các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước tiên.

Thực hiện tốt quy định trên sẽ giảm thiểu đáng kể tệ nạn tham nhũng, hối lộ đang có xu hướng phát triển phức tạp, đồng thời xã hội sẽ đạt được những giá trị đích thực về đời sống văn hóa.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/viec-can-lam-ngay_t114c68n113515