Việc Bộ Tài chính đi tiên phong khoán xe công: Giảm gánh nặng ngân sách

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BTC quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với một số chức danh thuộc Bộ.

Thực ra, so với Quyết định 132 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2015 và các quyết định trước đó chẳng có gì mới, cái chính là các cơ quan thực thi sai các quy định của Chính phủ quá lâu dẫn đến tình trạng lãng phí ngân sách Nhà nước trong thời gian dài. Việc Bộ Tài chính đi tiên phong trong việc ra quyết định chính thức chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công là “phát súng” khởi đầu cho việc xây dựng “hệ thống chính quyền liêm khiết” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu.

Từ 320 triệu đồng xuống gần 90 triệu đồng

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn số liệu báo cáo của Cục Quản lý Công sản của bộ này khiến các đại biểu Quốc hội và dư luận không khỏi giật mình, đó là năm 2015, cả nước có 40.000 xe công, tổng chi phí cho số xe công hoạt động trong 1 năm (gồm xăng xe, chi phí bảo dưỡng, tiền lương cho lái xe...) khoảng 13.000 tỉ đồng/năm. Tính ra, tổng chi phí cho 1 chiếc xe công là 320 triệu đồng/năm.

Khoán xe công sẽ tiết kiệm ngân sách rất nhiều.

Chi phí xe công lớn theo các chuyên gia bởi số lượng xe công quá nhiều, trong khi hiệu quả sự dụng lại rất lãng phí. Điển hình, xe được sử dụng triền miên, có những chức danh theo quy định không được sử dụng xe công đưa đón từ nhà đến cơ quan song vẫn cố tình sử dụng. Mỗi chiếc xe công lại “cõng” một ông lái xe. Vì thế, chi phí cho một chiếc xe công mới cao như trên.

Thế nên, với tư cách là cơ quan quản lý tài sản và ngân sách quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định khoán xe công là một chủ trương đúng đắn. Theo Quyết định 1997/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, chế độ khoán được tính với xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hằng ngày của chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính và lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương).

Cụ thể, từ 1.10.2016, mức khoán được tính bằng đơn giá khoán nhân (x) số km x 2 lượt x số ngày làm việc. Trong số này, đơn giá khoán được xác định theo mức giá các hãng taxi loại 4 chỗ ngồi phổ biến trên thị trường. Ngoài ra, số km khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc; số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ Luật Lao động (22 ngày). Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ôtô được thực hiện ổn định 12 tháng/lần tính từ thời điểm Bộ phê duyệt đơn giá khoán kinh phí sử dụng ôtô đối với chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Số tiền khoán kinh phí sử dụng xe được chi trả cùng với kỳ trả lương cho từng chức danh Thứ trưởng thực hiện khoán. Tương tự, các tổng cục và tương đương thực hiện xác định và chi trả số tiền khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cùng với kỳ trả lương cho các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25.

Điều đặc biệt, trên cơ sở khoảng cách số km đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc của từng chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, Cục Kế hoạch Tài chính đã tổng hợp khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc của các chức danh Thứ trưởng trong 1 tháng. Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Trần Xuân Hà, Trần Hữu Chi có khoảng cách di chuyển khoảng 15km, 22 ngày làm việc, mức khoán là 9,9 triệu đồng/tháng. Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, Vũ Thị Mai có khoảng cách di chuyển 8km nên tiền khoán là 5,3 triệu đồng. Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải có khoảng cách khoảng 6km, tiền khoán là gần 4 triệu đồng một tháng.

Tính toán cho hay, tiền xe đưa đón cho 6 vị Thứ trưởng của Bộ Tài chính là 44,2 triệu đồng một tháng. Tính ra, một năm mỗi vị Thứ trưởng nhận tiền khoán xe công gần 89 triệu đồng. Trong khi đó, nếu không có chế độ khoán xe, trung bình mỗi chiếc xe công theo tính toán của Cục Quản lý công sản “ngốn” tới 320 triệu đồng/tháng.

Muộn còn hơn không

Như đã từng đề cập, ở các nước phát triển chỉ có những cấp bậc gọi là chính khách mới được phép sử dụng xe công đưa đón từ nhà đến nơi làm việc (bộ trưởng, thị trưởng…), song thời gian qua ở ta, việc lạm dụng xe công diễn ra khá phổ biến. Ngoài các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; người đứng đầu các bộ, ngành, tỉnh, thành, đoàn thể, chính trị được phép sử dụng xe công đưa đón đã đành, thì các vị cấp phó của các bộ, tỉnh, thành; thậm chí lãnh đạo quận, huyện, thị xã cũng “chẵm chọe” xe đưa, xe đón (tất nhiên chỉ đề cập cơ quan hưởng lương từ ngân sách).

Như vậy, tính toán cho hay, tiền xe đưa đón cho 6 vị Thứ trưởng của Bộ Tài chính là 44,2 triệu đồng một tháng. Tính ra, một năm mỗi vị Thứ trưởng nhận tiền khoán xe công gần 89 triệu đồng. Trong khi đó, nếu không có chế độ khoán xe, trung bình mỗi chiếc xe công theo tính toán của Cục Quản lý công sản “ngốn” tới 320 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4.8. 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ôtô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thì cán bộ có chức danh là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên được sử dụng thường xuyên một xe ôtô trong thời gian công tác. Căn cứ tình hình thực tế tại từng thời điểm, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủng loại xe trang bị cho các chức danh này theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Đồng thời, các chức danh Bộ trưởng, Chủ nhiệm các cơ quan ngang bộ, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh/thành phố (riêng với Hà Nội và TP.HCM, các đồng chí thuộc Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy) được sử dụng xe công.

Thế nhưng, thực tế thời gian qua theo báo cáo của Bộ Tài chính trước Quốc hội, tình trạng sử dụng xe công vẫn diễn ra tràn lan dẫn đến lãng phí ngân sách Nhà nước. Do đó, việc Bộ Tài chính chính thức ban hành quyết định khoán xe công cho các lãnh đạo của Bộ này và tới đây UBND TP. Hà Nội cũng tiến hành việc khoán xe công không chỉ là chủ trương mà là việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng xe công.

Quyết định về chế độ sử dụng xe công đã có, giờ là lúc các bộ, ngành, tỉnh, thành phố cứ thế phải triển khai.

Hương Phạm - Khánh Linh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/viec-bo-tai-chinh-di-tien-phong-khoan-xe-cong-giam-ganh-nang-ngan-sach-42691.html