Video về 30 cơn bão hình thành trên Thái Bình Dương

Trong năm 2017, Biển Đông và Việt Nam đã đón 2 cơn bão đầu tiên. Trên vùng biển Thái Bình Dương, đã có 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành kể từ đầu năm đến nay. Số cơn bão và ATNĐ sẽ chưa dừng lại vì hiện mới chỉ vào giữa mùa bão.

Mùa bão sẽ kéo dài trong suốt năm 2017 với phần lớn các cơn bão hình thành từ tháng 5 đến tháng 11. Các cơn bão trong năm hình thành trên Thái Bình Dương sẽ do Cơ quan Khí tượng Nhật Bản JMA đặt tên.

Trước đó, trong năm 2016, đã có 30 cơn bão và ATNĐ hình thành ở Thái Bình Dương. Kênh theo dõi thời tiết nổi tiếng Youtube Force Thirteen đã đồ họa lại quá trình hình thành và biến mất của các hiện tượng thời tiết hình thành tại khu vực này.

Mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2016 là mùa bão muộn thứ 5 trong lịch sử, bắt đầu ngày 25/5 với một áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, sau các năm 1973, 1983, 1984. Cơn bão đầu tiên – Nepartak, được đặt tên ngày 3/7 trở thành thời điểm muộn thứ hai trong lịch sử có một cơn bão trên Tây bắc Thái Bình Dương được đặt tên chính thức. Thời điểm này cũng đã cân bằng kỷ lục 199 ngày không có bão trên khu vực này được thiết lập từ ngày 23/12/1997 đến 7/7/1998. Cơn bão cuối cùng là Nock-ten, tan ngày 28/12.

Mặc dù bắt đầu muộn do ảnh hưởng của đợt El Ninõ mạnh nhất lịch sử 2014-2016, nhưng do ở vào thời kỳ trung tính và sau đó chuyển pha sang La Nina yếu vào cuối tháng 9/2016, nên mùa bão ở TBTBD năm 2016 hoạt động rất mạnh với 50 ATNĐ (trong đó có 1 cơn không chính thức do hoàn lưu bão Aere suy yếu mạnh lên trở lại) - nhiều hơn TBNN trong đó có 26 cơn bão (bằng TBNN), với 13 cơn cuồng phong và 6 siêu bão. 2 cơn bão mở đầu và cuối mùa bão (Nepartak và Nock-ten) đều đạt ngưỡng siêu bão.

Force Thirteen là một website theo dõi các cơn bão nhiệt đới hình thành trên trái đất. Website này lần đầu tiên ra mắt vào tháng 11/2011, do Nathan Foy, một nhà khí tượng học người Anh điều hành. Ngoài cập nhật thông tin trên website, Force Thirteen cũng có kênh Youtube chuyên chuyển tải các video trạng thái của các cơn bão đang hoạt động cùng với các thông tin liên quan khác. Bản cập nhật video bao gồm các đồ họa chuyển động hiển thị đường đi hiện tại của bão, cùng với thông tin tường thuật chi tiết như tốc độ gió, áp suất không khí và vị trí hiện tại của bão.

Khi La Nina bắt đầu hoạt động vào tháng 10 năm 2016, tác động của bão và ATNĐ đến các nước trong vùng TBTBD bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt. Bão Aere có quỹ đạo phức tạp do tác động của KKL trên biển Đông, tan rồi hồi sinh thành 1 ATNĐ k chính thức đổ bộ vào Huế gây lũ lớn ở Bắc Trung Bộ, một số nơi đạt mức lịch sử và gây thiệt hại tổng cộng 2500 tỷ đồng (112 triệu USD). Bão Sarika và Haima tác động liên tiếp đến Philippines và Nam Trung Quốc gây thiệt hại lớn. Sang tháng 11 và 12, 2 ATNĐ và hoàn lưu sau bão Tokage gây ra các đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung VN và gây thiệt hại rất lớn về mọi mặt cho khu vực này. Đến cuối tháng 12, bão Nock-ten trở thành cơn bão mạnh nhất vào thời điểm Giáng sinh trước khi đổ bộ vào Philipines.

Tại Việt Nam, năm 2016 đã có tổng cộng 18 cơn bão và ATNĐ, nhiều hơn hẳn TBNN, đứng thứ hai sau năm 2013 (về số lượng, thua 1 cơn) và vượt qua năm 1964 (17 cơn), trong đó số bão hoạt động là 10 cơn (hơn TBNN 1 cơn) và 8 ATNĐ (nhiều hơn hẳn so với TBNN), nguyên nhân do La Nina hoạt động vào 3 tháng cuối năm nên bão, ATNĐ xuất hiện dồn dập trong khoảng thời gian này.

Minh Anh ( tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/video-ve-30-con-bao-hinh-thanh-tren-thai-binh-duong-post232209.info