Vỉa hè Hà Nội khi vẫn là món lợi kinh doanh thì sẽ khó quản

Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang buông lỏng quản lý, lấn chiếm vỉa hè trở thành câu chuyện “khổ lắm, biết rồi nói mãi”?

Vỉa hè nhiều nơi tại Hà Nội bị chiếm dụng để xe, kinh doanh… đẩy người đi bộ phải đi xuống lòng đường, đây là thực trạng đang diễn ra tại nhiều con phố tại Hà Nội. Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang buông lỏng quản lý, lấn chiếm vỉa hè trở thành câu chuyện “khổ lắm, biết rồi nói mãi”?

Người đi bộ phải đi dưới lòng đường khi vỉa hè trên đường Hàng Đào bị các hộ kinh doanh chiếm dụng.

Đi dọc các con phố ở Hà Nội như hàng Bông, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Trãi… chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hàng quán bày bán trên vỉa hè. Nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm dụng để xe máy, ô tô. Thậm chí trên phố hàng Bông, ngay cạnh biển cấm đỗ xe kinh doanh buôn bán trên vỉa hè là những chiếc xe máy được xếp hàng dọc. Việc chiếm dụng vỉa hè đã đẩy người đi bộ đi xuống lòng đường.

Anh Trần Anh Tài ở phố Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng người đi bộ mong muốn đi đúng luật cũng không được: “Hiện nay, vỉa hè ở Hà Nội, phần đường dành cho người đi bộ đang bị hàng quán lấn chiếm, thậm chí trưng dụng làm bãi đỗ xe, nếu người đi bộ muốn đi đúng Luật cũng rất khó”.

Bên cạnh việc lấn chiếm của các hộ kinh doanh, vào giờ cao điểm khi mật độ phương tiện giao thông tăng cao, vỉa hè còn bị các phương tiện giao thông tràn lên. Hình ảnh này chúng ta thường xuyên bắt gặp tại phố Chùa Bộc, đường Nguyễn Trãi (Hà Nội)…

Tiến sỹ Phạm Sanh chuyên gia giao thông cho rằng: Giao thông Việt Nam từ trước tới nay vẫn chưa chú ý nhiều đến người đi bộ. Ở các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vỉa hè bị lấn chiếm thậm chí là chính quyền địa phương cho thuê mặt bằng kinh doanh. Những công trình, biển báo dành cho người đi bộ như vạch sơn đường, đèn tín hiệu, hầm và cầu đi bộ vẫn chưa được quan tâm.

Xe máy đi lên cả vỉa hè dành cho người đi bộ.

Vỉa hè tại khu Văn Miếu bị xe ô tô chiếm làm bãi đỗ.

“Hà Nội nên rõ ràng phần lề đường dành cho người đi bộ là phải trả lại cho người đi bộ. Nếu trong khi lòng lề đường vẫn còn để bị lấn chiếm và chính quyền vẫn còn coi đó là món lợi để thu thuế, thu phí kinh doanh chưa coi trọng người đi bộ” - Tiến sỹ Phạm Sanh cho biết.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Việc lấn chiếm vỉa hè kinh doanh có sự buông lỏng của chính quyền, lực lượng chức năng, nó cũng thể hiện những nhóm lợi ích trong đó. Quản lý vỉa hè không khó khi các cơ quan chức năng thực sự vào cuộc thường xuyên. Quản lý vỉa hè có nhiều các bài học ở các đô thị lớn trên thế giới đã làm và mang hiệu quả.

Ví dụ tại Đài Loan (Trung Quốc) lượng xe máy cũng rất nhiều, nhưng họ đã chia vỉa hè làm làm 2 phần, phần ngoài vỉa hè để đỗ xe máy và giới hạn bằng những gờ cao 30 cm, phía trong dành cho người đi bộ. Đối với Hà Nội thì có những đặc thù riêng, ở khu vực phố cổ, phố cũ diện tích vỉa hè nhỏ, nhiều phố cấm đỗ xe trên vỉa hè, vậy Hà Nội cũng phải giải bài toán giao thông tĩnh.

Vỉa hè trên đường Giảng Võ bị chiếm dụng hết để để xe.

Ông Phạm Sỹ Liêm nói: "Mục đích chính của vỉa hè là dành cho người đi bộ, nhưng việc đỗ xe cũng là một nhu cầu kinh doanh. Vậy, giải quyết thế nào? Một là phải có chỗ đỗ xe, không muốn xe đỗ ở vỉa hè, tôi hoàn toàn tán thành, nhưng phải tạo một chỗ khác để đỗ, chứ không thể không có chỗ đỗ. Không đỗ, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, người bán hàng sẽ bán cho ai, không có người kinh doanh bán hàng, phồn vinh đô thị sẽ bị ảnh hưởng”./.

PV/VOV-Trung tâm tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/via-he-ha-noi-khi-van-la-mon-loi-kinh-doanh-thi-se-kho-quan-594521.vov