Vị Xuyên những ngày tháng 7: Nó đi là đi mất, đến giờ chả thấy về!

'Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ về những người đồng đội đã anh dũng hy sinh. Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh là người đã có lời thề khắc trên báng súng: 'Sống bám đá, chết hóa đá thành bất tử'.

Tháng Bảy này, tháng kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ, cũng là tháng kỷ niệm những ngày chiến tranh ác liệt nhất trên mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Có những trận đánh khiến lực lượng của ta hy sinh khá nhiều, như trận đánh ngày 12/07/1984, riêng sư đoàn 356 có tới gần 600 chiến sỹ hy sinh chỉ trong một ngày.

Địa danh xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên những ngày này luôn tấp nập các đoàn cựu chiến binh và thân nhân gia đình liệt sỹ về thăm lại chiến trường xưa, nhất là từ khi khánh thành Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên 1979-1989 ngày 25/06 vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn dâng hương các anh hùng liệt sỹ tại Lễ Khánh thành Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên 1979-1989.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn dâng hương các anh hùng liệt sỹ tại Lễ Khánh thành Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên 1979-1989.

PV Infonet đã ghi lại những câu chuyện kể về kỷ niệm của những người lính, người mẹ liệt sỹ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Bà Lê Thị Thế, mẹ của liệt sỹ Trần Trung Thực, Phú Thọ: "Thế là nó đi là nó đi mất, đến giờ chả thấy về!"

“Liệt sỹ Trần Trung Thực là con trai thứ hai trong số 6 anh chị em, 5 trai và 1 gái. Trước đây ông nhà tôi cũng đi bộ đội và đóng quân ở Lạng Sơn, một mình tôi ở nhà nuôi con. Người con trai cả của chúng tôi đi bộ đội đóng quân ở Quảng Ninh. Còn người con trai thứ hai là Trần Trung Thực nhập ngũ năm 1980 sau khi vừa học xong cấp 3, thuộc Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 và hy sinh năm 1985. Đến nay gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt.

Mẹ Lê Thị Thế, mẹ của liệt sỹ Trần Trung Thực.

Khi lên đến mặt trận Hà Tuyên, con trai tôi có gửi thư về dặn mẹ đừng gửi thư nữa, con không có hòm thư đâu, trong thư nó bảo: "Mẹ yêu quý của con, con tạm biệt mẹ. Các em con còn bé nhỏ quá không làm gì được đỡ đần cho mẹ. Các em đừng khóc, đừng quấy mẹ nữa, anh về sẽ mua kẹo cho cho các em". Nó viết thư về, các em nó cứ khóc nức nở.

Lần khác viết thư về nó bảo, con lên trên ấy có một dòng sông với hai dòng nước chảy, một dòng đục, một dòng trong, nhưng con đi theo dòng trong chứ không đi theo dòng nước đục. Mẹ cứ yên tâm, con làm nhiệm vụ xong là con về con làm cho mẹ. Thế là nó đi là nó đi mất, đến giờ chả thấy về.

Tôi xác định đi bộ đội thời chiến tranh là phải đổ máu, nếu các con trở về là điều mừng nhất, nếu nó không về và hy sinh cho tổ quốc, bảo vệ biên cương của tổ quốc thì mình cũng đành nén chịu. Bây giờ những người xung quanh họ cũng rất quan tâm đến tôi”.

Những cựu chiến binh và thân nhân gia đình liệt sỹ thắp hương tại Nhà tưởng niệm.

Ông Đỗ Văn Nghiêm, Trưởng Ban Liên lạc Hội Bạn chiến đấu mặt trận Vị Xuyên: Có ngày chúng bắn trên 12 vạn quả đạn pháo!

“Ngày 17/02/1979, Trung Quốc đem trên 60 vạn quân đánh 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Trong đó, mặt trận Vị Xuyên từ năm 1984-1989, Trung Quốc tập trung rất nhiều sư đoàn bộ binh, trung đoàn sơn cước và nhiều lữ đoàn pháo binh được trang bị vũ khí, khí tài hạng nặng. Tại cao điểm 468 đã xảy ra hàng nghìn trận đánh ác liệt từ cấp tiểu đoàn, trung đoàn và nhiều sư đoàn. Trong đó có nhiều trận đánh giáp lá cà mặt đối mặt giữa ta và địch.

Với địa hình hiểm trở, đèo dốc cao khó cơ động, thế trận địch ta đan xen hình răng lược, có những chỗ ta và địch cách nhau một tầm ném lựu đạn, địch lợi thế hơn ta về lực lượng, vũ khí, khí tài và địa hình. Chúng điên cuồng, có ngày bắn trên 12 vạn quả đạn pháo lớn nhỏ các loại, chúng bắn đến mức núi đá biến thành núi đá vôi, đồi đất không còn một ngọn cỏ, mọi sự sống của thực vật không còn tồn tại, và được hình thành lên những cái tên khủng khiếp như: “Lò vôi thế kỷ”, “Cối xay thịt”, “Thác âm phủ”, “Thung lũng gọi hồn”…và in sâu trong tâm trí của mỗi đồng đội mặt trận Vị Xuyên.

Có ngày chúng tổ chức tấn công hàng chục trận từ cấp trung đoàn đến sư đoàn với những trận đánh gây thương vong cho hàng ngàn chiến sỹ của ta, hiện còn nhiều đồng đội vẫn nằm dưới thung lũng và chưa quy tập được.

Ông Đỗ Văn Nghiêm, Trưởng Ban Liên lạc Hội Bạn chiến đấu mặt trận Vị Xuyên.

Tuy ác liệt và gian khổ, nhưng các chiến sỹ mặt trận Vị Xuyên vẫn quyết tâm bám trụ, một tấc không lui, một ly không rời, anh dũng chiến đấu, đẩy lùi hàng ngàn đợt tấn công của địch, tiêu diệt nhiều ngàn tên địch, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Ông Hoàng Thế Cương, Nguyên Phó trưởng Ban Tác chiến, Sư đoàn 356: Còn rất nhiều đồng đội chưa được tìm thấy tại mặt trận Vị Xuyên vẫn còn rất nhiều hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy!

“Như mọi người đã biết, sau ngày 17/02/1979, cả 7 tỉnh biên giới phía Bắc đều có chiến tranh, nhưng thời điểm ác liệt nhất là giai đoạn 1984-1989 trên mặt trận Vị Xuyên. Nhiều sư đoàn và các đơn vị chủ lực của quân khu, của Bộ Quốc phòng và các đơn vị bộ đội và nhân dân tỉnh Hà Tuyên đã trực tiếp tham gia chiến đấu. Có những trận đánh chúng ta hy sinh cũng khá nhiều, như trận đánh ngày 12/07/1984 với mật danh MB84, riêng đơn vị của tôi đã có tới gần 600 chiến sỹ hy sinh chỉ trong 1 ngày.

Ông Hoàng Thế Cương, nguyên Phó Trưởng Ban Tác chiến, Sư đoàn 356.

Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ về những người đồng đội đã anh dũng hy sinh. Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh là người đã có lời thề khắc trên báng súng: “Sống bám đá, chết hóa đá thành bất tử”. Anh là Trung đội trưởng chỉ huy đơn vị rất anh dũng, dù bị thương nhiều lần nhưng vẫn bám trụ đến cùng và chỉ huy các chiến sỹ nhiều lần ngăn chặn cuộc tiến công của quân địch. Sau đó anh đã và được anh em đồng đội đưa về hang Suối Cụt và hy sinh đúng vào đêm 29 Tết Nguyên đán năm 1985 sau trận đánh trên cao điểm 685.

Rồi anh hùng liệt sỹ Lê Trần Mãn quê Thanh Hóa, khi địch tấn công quá mạnh, lực lượng trên cao điểm 685 của chúng ta gặp nhiều khó khăn, không thể giữ được trận địa, buộc phải lùi lại để phòng ngự. Đồng chí Lê Trần Mãn đã gọi pháo của ta bắn trùm lên trận địa để giữ trận địa, và đã anh dũng hy sinh.

Có nhiều đồng chí xung phong nhập ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ, đa số ở độ tuổi 17-19. Trong ba lô của những đồng chí ấy, những kỷ vật để lại chủ yếu là những kỷ niệm về người mẹ, về gia đình và trường lớp, chứ không hề có những tấm hình của người bạn gái nơi hậu phương.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với đời thường, chúng tôi vẫn cố gắng phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, làm tròn nghĩa vụ của một công dân, tiếp tục phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với những đồng đội đã hy sinh, hàng năm chúng tôi vẫn trở lại biên giới để thắp hương tưởng nhớ, cầu mong cho hương hồn đồng đội được siêu thoát về cõi vĩnh hằng, cũng như cầu mong cho đất nước mình mãi mãi được bình yên, không bao giờ có chiến tranh để không còn sự hy sinh xương máu. Tại mặt trận Vị Xuyên vẫn còn rất nhiều hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy dù chiến tranh đã lùi xa. Lý do khiến các liệt sỹ chưa thể được quy tập là do địa hình núi đá phức tạp, hơn nữa vật cản bom mìn nơi đây vẫn còn dày đặc nên công tác kiếm tìm còn gặp nhiều khó khăn.

Mong muốn của chúng tôi là Đảng và Nhà nước có chương trình rà phá bom mìn để người dân địa phương có thể canh tác sinh sống, góp phần gìn giữ đường biên cột mốc của tổ quốc, đồng thời tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ để các anh được toại nguyện và thân nhân các liệt sỹ cũng an lòng”.

Những tấm bia mang dòng chữ "LIỆT SỸ: CHƯA BIẾT TÊN" tại Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên.

Bà Trần Thị Thủy, Y tá Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn 314: Nhập ngũ 22 tuổi, tôi chỉ có 34 kg!

“Tôi sinh ra và lớn lên giữa trung tâm thành phố Hải Phòng, khi còn nhỏ, sinh hoạt trong câu lạc bộ của Bộ Tư lệnh 350 nên ngay từ nhỏ đã mơ ước mình trở thành bộ đội. Sau đó thì ước mơ của tôi cũng trở thành hiện thực khi tôi được nhập ngũ năm 1980 và được cử đi học ngành quân y, lúc đó đã 22 tuổi nhưng tôi chỉ có 34 kg. Sau đó được phục vụ mặt trận Vị Xuyên với nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa cho anh em thương, bệnh binh.

Tôi vẫn nhớ những kỷ niệm đi xin gạo về nấu cháo cho anh em thương, bệnh binh, những người được khiêng xuống tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng râu tóc họ để rất dài do không có điều kiện để cắt và cũng không có nước để tắm gội. Có những người bị suy kiệt sau bao nhiêu tháng trời sống trong cảnh thiếu thực phẩm.

Kỷ niệm không thể quên được là khi anh em thương binh được chuyển xuống, chúng tôi coi nhau như những người thân thiết, coi nhau như tất cả cùng chung một quê, nên chỉ gọi nhau với một cái tên “Quê”, cứ thế gọi “Quê ơi ăn đi”, “Quê ơi cố gắng giành lại sự sống nhé”. Có những người đã không thể chiến thắng trong việc giành giật lại sự sống. Còn có những đồng đội nằm rải rác ở khắp các cánh rừng, ở những rìa hang, khe đá mà chưa từng một lần được đồng đội thắp hương. Bây giờ có được nhà tưởng niệm để anh em về sinh hoạt là tôi cảm thấy phần nào bớt nguôi ngoai đi sự xót xa, tôi cũng cảm nhận được rằng đồng đội của mình đỡ tủi hờn.

Cũng tại nơi đây, tôi đã sáng tác bài thơ “Lá thư gửi mẹ đầu xuân” năm 1982 và gửi về cho mẹ. Sau này, mẹ tôi nhiều lần yêu cầu tôi đọc lại cho mẹ nghe:

Hải Phòng ơi bến cảng thân yêu!

Biên giới nơi đây trong sắc nắng chiều

Người con gái xa thư về thăm mẹ

Bằng ngọn bút, bằng tấm lòng son trẻ

Bằng tình thương của Đảng đã từng trao

Khi mùa xuân biên giới tới ngọt ngào

Và khi lũ bá quyền đang mưu sát

Khi biên cương chưa tan bóng giặc

Con chưa về thăm mẹ được mẹ ơi…

Trang giấy đầu xuân con xin hứa một lời

Quyết theo Đảng giữ yên từng mảnh đất

Thân gái dặm trường ý chí kém gì trai

Con lớn lên những chặng đường dài

Mẹ cứ yên tâm đón xuân vui Tết

Con sẽ về như những cánh nở hoa

Con sẽ vui chung với cái Tết quê nhà,

Tạm biệt nhé bến cảng ơi, bến cảng,

Con sẽ về như những cánh hải âu.

Sau khi tình cờ nghe được bài thơ, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có mong muốn được gặp tác giả và nghe lại bài thơ này. Ngày 13/7 vừa qua, bà Trần Thị Thủy và các đồng đội của mình đã tới thăm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Tại đây, cựu nữ quân y đã đọc cho ông nghe bài thơ mà bà đã sáng tác cách đây 34 năm.

Ông Đặng Văn Lộc, Chiến sỹ Trung đoàn 2 Sư đoàn Sao Vàng: Người góp phần giữ vững cao điểm 468

“Khi quân Trung Quốc đánh sang, Bộ tư lệnh mặt trận quyết định cho Trung đoàn 2 - Sư đoàn 3 Sao vàng (mang phiên hiệu Trung đoàn 981, dưới sự chỉ huy của Sư đoàn 356) vào thay phiên phòng ngự cho các đơn vị của 356 đang chiến đấu phòng ngự từ 4 hầm sang 468, 600, 800,900,1000,1050,1100, Không Tên để tăng thêm lực lượng và các đơn vị đã phòng ngự dài ngày rút ra củng cố lực lượng. Trong cuộc chiến này, pháo của địch bắn sang rất nhiều nhưng các chiến sỹ của Trung đoàn đều giữ được tất cả mọi chốt, từ cao điểm 468, 600, 509, đến 1.100 và 4 hầm khác.

Tình hình chiến sự lúc đó căng thẳng đến mức các chiến sỹ của ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc có được nước uống, lương thực. Mỗi khi các chiến sỹ vận tải vận chuyển lương thực lên được đến nơi rất khó khăn vì pháo của địch bắn triệt đường tiếp tế lương thực của ta. Rau xanh được thay thế rau tàu bay, hoa mười giờ, rau thài lài… nói chung là đủ các loại rau dại trong rừng.

Ông Đặng Văn Lộc tại nhà riêng, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Cơ bản nhất là cả ta và địch đều giữ chặt các chốt, chúng không dám tấn công mạnh vào các điểm của ta, còn ta cũng gặp khó khăn khi muốn lấy lại các cao điểm. Có nhiều chiến sỹ của ta vừa mới tham gia mặt trận đã bị hy sinh, nhiều đồng đội của tôi đã không thể giữ được nguyên lành cơ thể khi hy sinh. Thậm chí, nhiều đồng đội của tôi đã bị địch bắn không còn tìm thấy xác.

Với việc khánh thành nhà tưởng niệm, các cán bộ, chiến sỹ của sư đoàn 356, 313 và các đơn vị tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên đều cảm thấy toại nguyện khi nguyện vọng của chúng tôi được đáp ứng, để hướng về những người đồng đội đã anh dũng hy sinh”.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thăm hang Dơi tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, nơi tập kết tiền tiêu của mặt trận Vị Xuyên.

Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên 1979-1989 được xây dựng tại cao độ 468, nơi đây vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa được tìm thấy.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-xuyen-nhung-ngay-thang-7-no-di-la-di-mat-den-gio-cha-thay-ve-post204260.info