Vi Thùy Linh ra mắt cuốn thơ ‘đẹp nhất Việt Nam’

Nhà thơ tự tin tuyên bố tập thơ mới nhất của cô ‘Phim đôi - tình tự chậm’, in trên giấy bóng cứng phủ nhũ bạc, mỗi bài thơ đều có tranh minh họa của các họa sĩ tên tuổi, là ‘cuốn sách đẹp nhất Việt Nam’ hiện nay. > Vi Thùy Linh muốn dành 'thời gian cho tình yêu'/ Vi Thùy Linh tạm ngừng đường thơ

“Nếu có ai phát hiện ra cuốn sách này chỉ đẹp nhì Việt Nam thôi, còn một cuốn khác còn đẹp hơn nữa, thì xin thông báo cho tôi để tôi và êkíp thực hiện biết mà học hỏi”, nhà thơ 31 tuổi nói trong buổi họp báo giới thiệu tập thơ chiều 5/1 ở quán café Puku, Tống Duy Tân, Hà Nội. Sau 2 năm kể từ ViLi in love, Vi Thùy Linh tái xuất làng thơ với Phim đôi - tình tự chậm với lời khẳng định chắc nịch: đây sẽ là tập thơ “tự do bay nhảy” cuối cùng của cô trước khi lấy chồng. Cuốn thơ in bìa cứng với ý tưởng làm một cuốn phim bằng thơ. Theo tác giả, có thể coi Phim đôi - tình tự chậm là “cuốn phim thơ - giai phẩm hội tụ các họa sĩ, dịch giả, nhà văn, nhà thơ, đạo diễn, nhà nhiếp ảnh, mà tên tuổi của họ là niềm hãnh diện cho chủ đích liên tài của tác giả”. Mỗi bài thơ trong tác phẩm đều có tranh minh họa, do 8 họa sĩ đảm nhận, gồm Lê Thiết Cương, Nguyễn Thị Hiền, Trịnh Thành Chương, Đào Hải Phong, Đào Anh Khánh, Đinh Quân, Lương Xuân Đoàn, Đỗ Dũng. Phần nhũ màu bạc trên bìa sách và các bức tranh minh họa thực chất là những tấm vàng được tán ra và khắc lên những bản gỗ theo phương thức thủ công rất tỉ mẩn. Vi Thùy Linh thẳng thắn tiết lộ, cô chỉ đủ sức đầu tư 200 triệu đồng in 1.000 cuốn Phim đôi - tình tự chậm, mặc dù rất ghét con số này nhưng đành chấp nhận. Cuốn sách dày 90 trang, có giá bìa 300.000 đồng. Tập thơ có 39 bài thơ, trong đó có 10 bài đăng lại của hai tập Khát (1999) và Linh (2000), trong đó có Người dệt tầm gai, Tiếc nuối, Nữ tu... Còn lại là các bài thơ mới sáng tác năm 2010. Nhà thơ tự nhận xét, bên cạnh sự đầu tư được nhấn mạnh về kinh phí và hình thức, đây cũng là tập thơ đánh dấu “sự thay đổi quan trọng về mặt thi pháp” của cô. Vi Thùy Linh chú trọng thủ pháp điệp và tính văn xuôi. Tương tự cách viết kịch bản phim của các nhà biên kịch, trong tập thơ này, cô sử dụng ít tính từ, tập trung dùng động từ và danh từ để “giải quyết” các cảm xúc. Cuốn sách thuần cảm xúc và chứa đựng nhiều sự sắp đặt. Vẫn là những bài thơ tình sở trường, nhà thơ hy vọng độc giả có thể “yêu kiểu ViLi” khi bắt đầu xem cuốn phim Phim đôi - tình tự chậm. Vi Thùy Linh tự phản biện: “Sẽ có người hỏi: thế tôi làm thơ không đủ sức hấp dẫn hay sao mà phải dựa vào những người nổi tiếng khác, hay là để đánh bóng tên tuổi tập thơ của mình?”. Cũng chính cô phản bác ý kiến này: “Vi Thùy Linh không bao giờ dựa vào ai hết”. Cô nói, mặc dù chưa phải “cây đa cây đề” của làng văn, ít nhất cô cũng đã khẳng định được tên tuổi qua 4 tập thơ trước. Nhà thơ nhiều lần khẳng định, đây là tập thơ “quan trọng nhất” trong sự nghiệp của cô từ trước đến nay. “Cuốn sách nặng 620 gram, tôi đã cân thử. Tôi hy vọng sau khi đọc thì độc giả sẽ cảm thấy đó là cuốn sách thực sự nặng ký, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”. Nhà thơ dự tính, đầu tư công phu cho cuốn sách này cũng có một ưu điểm dễ thấy là sách sẽ khó có thể bị in lậu. Và theo anh Ngô Nhật Hoàng, giám đốc sản xuất tập thơ, nếu có người bỏ công in lậu, có lẽ người đó còn yêu thơ Vi Thùy Linh gấp mấy chục lần so với những nghệ sĩ cộng tác cùng cô. 17h30 ngày 10/1, Vi Thùy Linh sẽ tổ chức buổi ra mắt tập thơ kết hợp trình diễn đương đại và triển lãm các bức tranh minh họa tại Không gian Sáng tạo Trung Nguyên, 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, Giám đốc hình ảnh của tập thơ, anh đã vẽ minh họa cho nhiều cuốn sách, nhưng đây là lần đầu tiên bộ tranh minh họa cho một cuốn thơ được tập hợp lại và triển lãm như một bộ tranh độc lập. Các bức tranh gốc đều được vẽ bằng mực tàu, chỉ có hai màu đen trắng để tiện cho việc khắc nhũ lên sách.

Nguồn VnExpress: http://evan.vnexpress.net/news/doi-song-van-nghe/2011/01/9220-vi-thuy-linh-ra-mat-cuon-tho-dep-nhat-viet-nam/