Vị TGĐ hơn hai thập kỷ trăn trở với 'sự nghiệp trồng người'

Được thành lập vào năm 1996, Công ty Thiết bị Giáo dục Thắng Lợi được biết đến là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị khoa học kỹ thuật tại Việt Nam. Hai mươi năm đồng hành cùng ngành giáo dục Việt Nam, thành công mà Công ty có được là nhờ tâm huyết và nỗ lực không ngừng của Tổng Giám đốc Phạm Minh Long.

Ông Phạm Minh Long -Tổng giám đốc Công ty thiết bị giáo dục Thắng lợi

Ông Phạm Minh Long -Tổng giám đốc Công ty thiết bị giáo dục Thắng lợi

Mặc dù không phải là lần đầu trò chuyện với doanh nhân Phạm Minh Long, nhưng mỗi lần gặp mặt người “đứng mũi chịu sào” Công ty Thiết bị Giáo dục Thắng Lợi, tôi lại được nghe những câu chuyện khác nhau về cái duyên đến với nghề của ông, rất hấp dẫn và thú vị. Trong câu chuyện ấy là những phút giây bồi hồi nhớ lại ngày đầu gian nan thành lập Công ty giữa một rừng “cây đa cây đề” trong lĩnh vực thiết bị giáo dục.

Những khắc khoải khi hồi tưởng về khó khăn, thử thách để giúp Công ty Thắng Lợi có thể vươn ra biển lớn như ngày hôm nay; Và những ánh mắt lấp lánh hạnh phúc khi nghĩ về thành quả lớn lao đạt được từ mồ hôi, công sức của toàn thể cán bộ nhân viên trong hành trình phát triển cùng ngành giáo dục trong nước. Cảm xúc nào cũng tươi mới và bồi hồi như mới lần đầu được kể…

Dấu chấm hỏi về"học đi đôi với hành" trong giáo dục

Người ta nói, “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Thế nhưng, điều này lại chẳng đúng với Tổng Giám đốc Phạm Minh Long chút nào, bởi ông sinh ra trong một gia đình gia giáo, lớn lên trong một môi trường mô phạm, được rèn luyện và trau dồi kiến thức tại Trường Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, thậm chí còn là con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo.

“Giáo dục” với gia đình và bản thân ông quan trọng như chính dòng máu chảy trong người vậy. Với nền tảng như vậy, mọi người cứ nghĩ rằng ông sẽ trở thành một nhà giáo, hay nắm giữ một chức vị cao trong bộ máy giáo dục. Thế nhưng, ông lại chọn cho mình một lối rẽ khác, trở thành doanh nhân khi dấn thân vào con đường kinh doanh các sản phẩm thiết bị giáo dục.

Chia sẻ về điều này, ông bồi hồi nhớ lại: “Dù sinh trưởng trong gia đình có truyền thống trong ngành “trồng người” nhưng tôi chọn một lối rẽ khác là kinh doanh thiết bị giáo dục. Khởi đầu, tôi từng làm thuê tại nhiều cửa hàng với mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm thương trường của ngành này. Ban ngày đi làm, tối về, tôi nhận lắp đặt máy vi tính thuê và dạy thêm vi tính buổi tối.

Lĩnh vực thiết bị giáo dục là niềm đam mê từ khi còn nhỏ của tôi, chính vì thế, tôi đã làm mọi thứ liên quan để có thể biến ước mơ thành hiện thực. Cuối năm 1994, tôi đánh liều vay tiền bạn bè để mở cửa hàng bán các loại mực tẩy xóa và máy móc văn phòng. Chính “cơ ngơi” nhỏ này đã giúp tôi đến gần hơn với ước mơ của mình”.

Không dừng lại ở vị trí một nhà phân phối mà ước mơ thực sự của vị giám đốc này là có thể sáng chế ra các thiết bị giáo dục hữu ích để cải thiện tình trạng “dạy chay, học chay” ở Việt Nam.

“Khi còn đi học tại trường sư phạm, tôi lúc nào cũng băn khoăn rằng không biết có thể sáng tạo ra loại máy móc nào đó có thể giúp cho việc học dễ dàng hơn và giúp cho bản thân hiểu hơn về các kiến thức khi áp dụng thực tế sẽ như thế nào? Thế nhưng, thời đó, làm gì có máy móc hỗ trợ nhiều, nguồn máy móc còn nghèo nàn và thiếu thốn thế nên toàn phải “học chay, dạy chay” là thế” - ông chia sẻ.

Niềm khát khao được cống hiến cho nghề như đòn bẩy luôn thôi thúc con người ông. Thời điểm đó, ngoài những doanh nghiệp quốc doanh lớn thì rất ít cá nhân dám đầu tư cho kinh doanh thiết bị giáo dục. Một phần vì vốn lớn, phần khác vì ngành này yêu cầu người lãnh đạo phải thật sự am hiểu tính sư phạm cao của các thiết bị. Không bỏ rơi ước mơ của mình, một lần nữa vào năm 1996, ông lại tiếp tục xoay sở để biến cửa hàng nhỏ trở thành Công ty Thiết bị Giáo dục Thắng Lợi như ngày hôm nay.

Ghi dấu ấn bằng cái tâm với nghề

Hai mươi năm trước, cậu trai trẻ đã không ngại khó khăn, thử thách để xây dựng nên một công ty thiết bị giáo dục với mong muốn chung sức phát triển nền giáo dục nước nhà. Hai mươi năm sau, chàng thanh niên ấy đã trở thành người đàn ông trung niên, làn da xuất hiện nếp nhăn. Thế nhưng, duy có một thứ vẫn không thay đổi trong con người ông, đó là tâm huyết và niềm đam mê mãnh liệt với ngành giáo dục.

Có thể thấy rằng Công ty Thắng Lợi là nơi mà ông dồn toàn bộ tình yêu cùng sự trăn trở cho ngành giáo dục vào đó. Mong muốn nó phát triển vững mạnh để phần nào đó giảm đi gánh nặng học tập và chắp cánh ước mơ cho thế hệ học sinh - sinh viên Việt Nam.

Ông thổ lộ: “Học sinh Việt Nam ở bất kỳ cuộc thi quốc tế nào cũng không hề thua kém bạn bè về kiến thức. Tôi còn nhớ trong cuộc thi Vật lý quốc tế thí sinh của chúng ta đã đạt điểm lý thuyết tuyệt đối. Thế nhưng, thực hành lại chỉ nhận điểm 0.

Vinh quang trượt khỏi tầm tay! Đó chẳng phải là hệ quả của một nền giáo dục thiếu đi tính thực tế hay sao? Có những học viên, khi được hỏi thế nào là cân bằng sáng trong nhiếp ảnh thì miệng trả lời vanh vách nhưng đặt chiếc máy ảnh trên tay bảo chụp một bức độ sáng chuẩn thì lại chụp hỏng bét. Lý do là vì, một lớp có 30 người mà chỉ có 1 chiếc máy ảnh làm mẫu thì hỏi làm sao mà người học viên không biết chụp ảnh?”

Thực trạng nền giáo dục Việt Nam đúng là như thế. Chúng ta có hàng nghìn “tiến sỹ giấy” mà cả năm chẳng phát minh cái gì ra hồn, toàn “nhường chỗ” cho những ông tiến sỹ “chân lấm tay bùn” phát minh. Tôi hỏi Tổng Giám đốc Phạm Minh Long rằng: “Liệu thực tế này có thay đổi được hay không, thưa ông?”.

Ông đăm chiêu trả lời: “Muốn phát triển giáo dục thì hãy bám sát vào bản chất của nó. Mục đích của môn Vật lý là dạy người ta biết về cái bóng đèn và làm thế nào để nó sáng; Môn Hóa học là dạy mọi người biết ứng dụng những chất hóa học đó ra sao… Đừng “thiên biến vạn hóa” nó làm gì. Thay đổi hay cải cách quá nhiều liệu là tốt hay bám sát vào bản chất của nó thì tốt hơn?”.

“Công ty Thiết bị Giáo dục Thắng Lợi đã song hành cùng ngành giáo dục hơn 20 năm qua. Qua bao nhiêu đổi thay thì chúng tôi vẫn chỉ bám vào chất lượng và bản chất của giáo dục. Bản thân tôi cho rằng, mọi hướng phát triển của bất kỳ ngành nghề nào đều phải lấy căn bản làm gốc, cũng như trong ngành giáo dục, phát triển đến mấy thì cũng đừng xao lãng bản chất vốn có” - Tổng Giám đốc Phạm Minh Long nhấn mạnh.

Chia tay doanh nhân Phạm Minh Long, tôi thấy trong ánh mắt ông lấp lánh niềm vui và sự lạc quan về một tương lai tốt đẹp cho nền giáo dục Việt Nam. Và Công ty Thiết bị Giáo dục Thắng Lợi chắc chắn sẽ trở thành điểm sáng song hành cùng “sự nghiệp trồng người” của nước ta.

Bản thân tôi cho rằng, mọi hướng phát triển của bất kỳ ngành nghề nào đều phải lấy căn bản làm gốc, cũng như trong ngành giáo dục, phát triển đến mấy thì cũng đừng xao lãng bản chất vốn có.

Loan Hoàng - Ảnh: Anh Đức

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/doanh-nghiep/vi-tgd-voi-hon-hai-thap-ky-tran-tro-voi-su-nghiep-trong-nguoi-298273.html