Vì sự phát triển chung

Hôm qua (26/10), sau 3 ngày làm việc, loạt hội nghị, diễn đàn đa phương quan trọng mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong năm 2016 đã kết thúc thành công. Một loạt hội nghị liên quan đến quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững của các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong- một khu vực vốn dĩ xưa nay được đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá hết, giống như một “nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Hội nghị cũng đã ra Tuyên bố Hà Nội khẳng định mạnh mẽ các quyết tâm của nội khối trong chính sách phát triển.

Loạt 3 Hội nghị này chính là cách để các nước trong vùng hợp tác Mekong có thể cùng nhau nói lên những khó khăn; cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và cùng nhau thể hiện quyết tâm hợp sức phát triển vì một Mekong thịnh vượng. Thực ra 4 nước trong hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) vốn dĩ có những xuất phát điểm khác nhau, trình độ phát triển khác nhau nhưng nếu có sự đồng thuận mọi chuyện sẽ khác. Và mỗi lần tổ chức Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) hay CLMV chính là dịp để các quốc gia trong vùng hợp tác này ngồi lại với nhau, điểm lại những gì đã làm được; những gì còn khuyết thiếu mà bổ sung và cùng nhau bàn thảo định hướng tương lai.

Với Việt Nam, tăng cường quan hệ với những nước trong vùng hợp tác của ACMECS và CLMV chính là tăng cường hợp tác với những nước liên quan trực tiếp với chúng ta về chính trị, về an ninh, về kinh tế.

Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức ACMECS và CLMV nhưng là lần đầu tiên chúng ta mời WEF- Diễn đàn Kinh tế Thế giới - vào Việt Nam để cùng bàn bạc với các nước Mekong về các định hướng tương lai. Điều đó thể hiện Việt Nam đang là và luôn là một đối tác có trách nhiệm với lợi ích của chính mình; với lợi ích của các nước hàng xóm thân thiện với mình, với lợi ích của cả ASEAN trong hợp tác tiểu vùng này. Nói rộng ra hơn nữa thì “mục đích của chúng ta là thể hiện một đối tác có trách nhiệm đối với cả các cơ chế mà chúng ta tham gia ở trong khu vực và trên thế giới.”- Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý chia sẻ với Đại Đoàn kết.

Cũng vẫn vị Thứ trưởng Ngoại giao này nói về những cố gắng, nỗ lực của chúng ta khi kể về sáng kiến lớn nhất trong lần tổ chức các hội nghị đa phương này. Đó là câu chuyện của chúng ta mời WEF vào, tổ chức Hội nghị WEF- Mekong lần đầu tiên để tăng cường sự kết nối giữa DN, với các nguyên thủ, các nhà hoạch định chính sách với nhau. Bởi, chúng ta hy vọng rằng, họ những người hoạch định chính sách và những người thực hiện chính sách nếu gần nhau hơn, hiểu nhau hơn sẽ đi đến các dự án rất cụ thể, “biến những thứ ở trên giấy tờ, ở trên tầm nhìn trở thành hiện thực” - lời của Thứ trưởng Quý.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong những hội nghị này chúng ta đưa ra sáng kiến tăng cường đối tác phát triển; tập trung vào câu chuyện kết nối con người, kết nối cơ sở hạ tầng, kết nối các tiềm năng để biến những thứ chúng ta lâu nay vẫn bàn trên giấy tờ trở thành hiện thực. Phương châm mà Việt Nam vẫn tổ chức các hội nghị đa phương như lâu nay chính là: Từ tầm nhìn đến hành động. Hội nghị này cũng tuân thủ theo nguyên tắc đó.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn WEF về Mekong, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói: “Tăng cường liên kết kinh tế sẽ tạo cơ hội cho các nước Mekong phát huy các tiềm năng và lợi thế của mình, từ đó tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các nước Mekong cần tranh thủ các thỏa thuận kinh tế khu vực và toàn cầu để thúc đẩy kết nối các nền kinh tế Mekong với thế giới”.

Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc ACMECS và CLMV hôm 26/10 đã nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác CLMV và ACMECS, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên cũng như các đối tác phát triển, vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung của khu vực”.

Vậy thì, bạn bè quốc tế đến với Việt Nam theo tinh thần nào? Có lẽ hiểu được những nỗ lực, những cố gắng của nước chủ nhà ACMECS, CLMV và hiểu được nguyện vọng của nhà tổ chức, tất cả các nguyên thủ, các nhà lãnh đạo cấp cao cũng như các tập đoàn hàng đầu dự loạt hội nghị này đều mong muốn những hội nghị này không chỉ dừng ở mức những tập hợp mang tính ngoại giao là chính; mà các hoạt động phải ngày càng thiết thực hơn, càng nhiều càng tốt. “Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải làm thế nào kéo được DN vào; phải làm thế nào để có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế, kết nối hạ tầng, đi đến kết quả càng thiết thực càng tốt” - Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho biết.

Để tổ chức công loạt hội nghị kể trên, không chỉ với tư cách nước chủ nhà, không phải chỉ có mỗi sáng kiến tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong, Việt Nam cũng đóng góp nhiều sáng kiến khác qua những lần các nước ACMECS và CLMV nhóm họp cùng nhau. Ví dụ, sáng kiến lớn là hành lang Đông-Tây- chúng ta đưa ra từ đầu những năm 2000. Sau đó, hành lang này trở thành hành lang kinh tế Đông-Tây và bắt đầu thu hút được các công ty, các nhà đầu tư nước ngoài nhất là người Nhật. Đương nhiên mong muốn là một chuyện kết quả lại là chuyện khác. Và hợp tác kinh tế, hợp tác phát triển không phải là chuyện thích là thực hiện ngay được khi mà mỗi quốc gia có một hướng phát triển riêng. Ngoài sự quan tâm, chúng ta cũng còn phải rất kiên trì; đóng góp với cả trái tim của mình; với lợi ích của chính mình để làm công việc của mình. “ACMECS và CLMV dù muốn dù không vẫn là những cơ chế rất quan trọng vì trong tổng số 12 cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong đây là những cơ chế tập hợp quan trọng nhất của các nước trong nội vùng. Nếu muốn có cơ chế hợp tác tốt giữa nội vùng và ngoại vùng thì nội vùng phải làm tốt. Trong cơ chế này, 5 nước, 6 nước đã có cơ chế hợp tác để nói chuyện thẳng với nhau về những quan tâm, tháo gỡ khó khăn” - Thứ trưởng Quý nói.

Và những gì chúng ta nỗ lực, chúng ta thể hiện trong ba ngày diễn ra loạt hội nghị này đã thể hiện sự quan tâm, chủ động và trách nhiệm của Việt Nam. Chỉ riêng việc các hội nghị thu hút được sự quan tâm của nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của các cơ chế đa phương quan trọng trên thế giới đến với Mekong đã đủ thấy điều đó. Nhìn rộng ra, tổ chức loạt hội nghị này cũng là dịp để chúng ta cùng với các nước láng giềng thân thiết nói đến câu chuyện xây dựng lòng tin, tạo ra sự hấp dẫn chung đối với cả các đối tác bên ngoài; đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống mới thấy cơ chế hợp tác trong ACMECS và CLMV là rất quan trọng.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/vi-su-phat-trien-chung/130471