Vì sao UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiên quyết 'xóa sổ' ngôi trường 25 năm tuổi? (Kỳ 3)

Hàng nghìn phụ huynh, học sinh của ngôi trường có bề dày truyền thống dạy và học 25 năm ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đang mong chờ có một sự xem xét thấu đáo liên quan chủ trương "xóa sổ" trường liên cấp Hai Bà Trưng. Song dường như việc "xóa sổ" đã được định đoạt.

Học sinh Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng đang thực sự hoang mang trước thông tin phải sáp nhập vào một trường THPT khác

Tách, sáp nhập trường ... vì giao thông không thuận lợi

UBND thị xã Phúc Yên đưa ra lý do trong báo cáo số 63 tham mưu cho UBND tỉnh về các nội dung tách, sáp nhập tại trường THCS-THPT Hai Bà Trưng đó là do trường có diện tích nhỏ không đủ đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn Quốc gia, giao thông không thuận lợi.

Bà Trần Thị Hồng Dung - Hiệu trưởng trường Hai Bà Trưng cho biết, diện tích hiện tại của nhà trường là 5.500m2 với 1.004 học sinh, so với chuẩn Quốc gia chỉ thiếu chút ít.

Về cơ sở vật chất, nhà trường có 30 phòng học cho 24 lớp học, phòng học đáp ứng cho cả dạy chính khóa lẫn bồi dưỡng học sinh giỏi. Về các phòng học chức năng đầy đủ, có 16 phòng dành cho các hoạt động giáo dục kĩ năng, phòng chuyên môn.

Bà Trần Thị Hồng Dung - Hiệu trưởng trường THCS-THPT Hai Bà Trưng khẳng định cơ sở vật chất của nhà trường hiện đáp ứng được việc dạy và học hiện nay.

Phụ huynh học sinh của trường THCS-THPT Hai Bà Trưng khẳng định 25 năm qua, bao thế hệ học sinh của trường vẫn học tập và sinh hoạt tốt, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, không thấy có bất cứ khó khăn nào liên quan đến diện tích học tập, giao thông đi lại hay bất kỳ khó khăn nào khác. Tại sao bây giờ UBND thị xã Phúc Yên lại tạo ra những khó khăn này "xóa sổ" trường?

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, trường THPT Phúc Yên nơi mà trường THCS-THPT Hai Bà Trưng sẽ sáp nhập về được thành lập từ năm 2009, ngoài diện tích được UBND thị xã Phúc Yên đánh giá là rộng hơn thì so với trường Hai Bà Trưng về chất lượng giáo dục đều kém hơn. Số lượng học sinh giỏi, số lượng học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi đều thua xa. Đặc biệt, tỷ lệ tốt nghiệp ĐH của trường Hai Bà Trưng là 98-100% thì trường Phúc Yên chỉ đạt 40%.

Sở GD&ĐT nói trường chất lượng tốt nhất thị xã, UBND tỉnh vẫn quyết "xóa sổ"

Một căn cứ khác mà UBND thị xã Phúc Yên báo cáo lên UBND tỉnh liên quan đến việc có thể "xóa sổ" ngôi trường 25 tuổi THCS-THPT Hai Bà Trưng là vì dự kiến theo thống kê đến năm 2021 trên địa bàn thị xã số lượng học sinh tốt nghiệp THSC tiếp tục học lên THPT dao động khoảng 1.000 học sinh, do đó chỉ cần đến 3 trường THPT là đủ đảm bảo tuyển hết số học sinh trên.

Theo tìm hiểu của PV báo Lao Động, đề án 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh cho phép thị xã Phúc Yên được có tối đa 4 trường THPT trên địa bàn.

Trưởng Phòng GD-ĐT Thị xã Phúc Yên ông Đặng Viết Phú trong buổi trao đổi với PV Báo Lao Động có đưa ra nội dung: TX Phúc Yên địa bàn nhỏ nhưng lại có đến 4 trường THPT. Hiện nay, 3 trường là trường THPT Bến Tre, THPT Phúc Yên và THCS-THPT Hai Bà Trưng lại nằm trong bán kính 1km. Theo kết quả những năm vừa qua, trong số các trường này có trường không tuyển đủ chỉ tiêu học sinh. Vì thế, UBND Thị xã quyết định phải sáp nhập hai trường lại.

Trái với quan điểm này của UBND thị xã Phúc Yên, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hoàng Minh Quân cho rằng quy mô số trường THPT hiện tại là đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn thị xã Phúc Yên, không cần phải giảm, vấn đề là sắp xếp mạng lưới cho phù hợp. Ở thị xã Phúc Yên hiện nay, mạng lưới này hoàn toàn không phải là vấn đề bức xúc như một số nơi khác trong tỉnh.

Ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi với phóng viên

Ông Hoàng Minh Quân khẳng định: Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng có thành tích học tập tốt nhất trên địa bàn thị xã. Thời gian trước khi chúng ta vẫn duy trì thi đại học 3 chung, Vĩnh Phúc có 5 trường luôn nằm trong top 200 trường có điểm cao trên cả nước, thứ nhất là chuyên Vĩnh Phúc, thứ hai chính là Hai bà Trưng. Ngôi trường này còn có những mặt nổi trội như giáo dục các mặt đoàn thể xã hội, giáo dục kỹ năng sống, nhiều năm nay năm nào trường cũng có học sinh tham gia vào chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

Tính đến thời điểm hiện nay, câu chuyện “xóa sổ” trường THCS-THPT Hai Bà Trưng đã nằm trong các công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là Công văn số 4939/UBND-VX2 ngày 3.7.2017.

Cụ thể: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn trong công văn này đã kết luận và chỉ đạo:

Thị xã Phúc Yên: Sáp nhập hai trường THCS-THPT Hai Bà Trưng và THPT Phúc Yên. Địa điểm đặt tại Trường THPT Phúc Yên (đảm bảo về diện tích).

Giao cho Sở GD&ĐT: Chuyển số học sinh khối THCS của trường THCS-THPT Hai Bà Trưng về phòng GD-ĐT của thị xã Phúc Yên quản lý theo quy định về phân cấp quản lý giáo dục. Bàn giao nguyên trạng cơ sở vật chất của Trường THCS -THPT Hai Bà Trưng cho UBND thị xã Phúc Yên quản lý để sử dụng và mục đích giáo dục.

Công văn số 4939/UBND-VX2 ngày 3.7.2017 của UBND tỉnh chỉ đạo nội dung về trường THCS-THPT Hai Bà Trưng

Kết luận và chỉ đạo của Phó chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn trong công văn ngày 3.7.2017

Nếu như đây là việc làm thật sự cần thiết để phát triển nền giáo dục của tỉnh thì lẽ ra phải nhận được sự đồng thuận cao của Sở GDĐT, của nhà trường, của phụ huynh và học sinh. Nhưng trên thực tế, việc “xóa sổ” ngôi trường 25 năm tuổi này đã và đang khiến cho hàng nghìn phụ huynh, học sinh bức xúc, Ban Giám hiệu nhà trường thì bị "đứng ngoài cuộc".

UBND tỉnh đang rốt ráo triển thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đối với lĩnh vực GD-ĐT. Liên quan đến việc sống còn của ngôi trường THCS-THPT Hai Bà Trưng, lãnh đạo UBND tỉnh nên xem xét một cách thấu đáo, căn cứ trên lịch sử phát triển và chất lượng dạy-học của trường, tránh ảnh hưởng đến tương lai học tập, giảng dạy của hàng nghìn học sinh, thầy cô giáo nơi đây.

>>>Bài 1: >>>Bài 2: >>>

Thu Hoài - Nguyễn Hà - Nguyễn Huyên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/vi-sao-ubnd-tinh-vinh-phuc-kien-quyet-xoa-so-ngoi-truong-25-nam-tuoi-ky-3-681746.bld