Vì sao truyền hình trả tiền đua nhau giảm giá hút khách?

Trong khi lĩnh vực viễn thông có cơ chế chống bán phá giá, buộc các doanh nghiệp muốn cạnh tranh được phải nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, thì lĩnh vực truyền hình trả tiền lại chủ yếu cạnh tranh về giá. Các doanh nghiệp truyền hình đua nhau giảm giá để hút khách.

Đây được coi là một trong những bất cập mà nhiều doanh nghiệp truyền hình đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong hai năm qua.

Doanh nghiệp truyền hình đua nhau giảm giá

Chỉ cần truy cập vào website của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, khách hàng dễ dàng nhận thấy những gói cước khuyến mại, giảm giá cực sốc và những ưu đãi hấp dẫn. Chẳng hạn như SCTV tháng trước đã có chương trình “Tăng tốc ưu đãi” với truyền hình KTS HD. SCTV miễn phí hòa mạng dịch vụ truyền hình kĩ thuật số và giảm đến 50% phí thuê bao kỹ thuật số HD trong 06 tháng đầu tiên chỉ còn 25.000 đồng/tháng/01đầu HD cho khách hàng. Nếu đóng cước nhiều tháng một lúc sẽ còn được tặng nhiều tháng cước nữa…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang chạy đua với các gói cước giá rẻ. Mức cước thậm chí bị đẩy xuống khoảng 50.000 đồng/tháng hay chỉ còn 25-30.000/tháng…

Việc chạy đua về giá khiến không ít các doanh nghiệp truyền hình đầu tư mạnh vào chất lượng, nội dung gặp khó, ví dụ như dịch vụ truyền hình theo yêu cầu MyTV. Ra mắt từ năm 2009, đánh dấu “kỷ nguyên mới” cho lĩnh vực giải trí tại gia đình bởi khả năng tương tác cao, cho phép người xem tua đi tua lại, ghi lại để xem sau..., MyTV đã mang lại cho người dùng một khái niệm hoàn toàn mới về dịch vụ truyền hình theo yêu cầu.

Không chỉ liên tục cập nhật nội dung mới, MyTV còn đầu tư nâng cao chất lượng, tăng cường các tính năng, tiện ích hiện đại để mang lại khả năng tương tác cao cho mọi đối tượng người dùng.

Đến nay, tuy đứng đầu trong mảng dịch vụ truyền hình IPTV nhưng MyTV cũng đang gặp khó khi các doanh nghiệp khác đua nhau bán giá thấp.

Mới đây, MyTV đưa ra tính năng đa màn hình (multiscreen), cho phép một tài khoản thuê bao MyTV có thể theo dõi và thưởng thức các nội dung đặc sắc của MyTV trên cả TV, máy tính bảng (tablet) và smartphone.

Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý 3/2016 của Bộ TT&TT diễn ra chiều 5/10, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết hiện tại việc phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền có rất nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đua nhau bán với giá thấp, dẫn đến nguy cơ phá giá cao. Trong 9 tháng đầu năm 2016, dịch vụ truyền hình MyTV của VNPT phát triển khá thấp, mới đạt gần 40% kế hoạch phát triển thuê bao. Trong khi đó, từ năm 2015 trở về trước dịch vụ MyTV tăng trưởng khá mạnh với gần 1 triệu thuê bao trong vòng 5 năm.

Rất cần quản lý giá sàn, chống phá giá dịch vụ truyền hình

Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý 3/2016 diễn ra chiều 5/10, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long đã kiến nghị Bộ TT&TT cần nghiên cứu để xây dựng chính sách quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền. Nhà nước cần có chính sách quản lý giá sàn đối với dịch vụ này để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng.

Việc các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đua nhau cạnh tranh về giá để hút khách đã diễn ra một thời gian dài. Nhiều doanh nghiệp cũng đã kiến nghị Bộ TT&TT phải có chính sách quản lý giá sàn. Tuy nhiên, vẫn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, yêu cầu cần thiết phải ban hành quy định quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền chỉ xuất hiện sau khi các doanh nghiệp viễn thông lớn cùng tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình.

“Trước đây, dịch vụ truyền hình trả tiền do các nhà đài và doanh nghiệp độc lập chỉ cung cấp dịch vụ truyền hình. Tuy nhiên từ khi có nhà mạng viễn thông tham gia vào kinh doanh thì nội dung truyền hình cơ bản giống nhau, cho nên các doanh nghiệp không cạnh tranh về nội dung mà chủ yếu cạnh tranh về giá. Chính vì vậy, các đài truyền hình lo ngại nhà mạng viễn thông không bóc tách giữa dịch vụ viễn thông và truyền hình, hoặc bóc tách không rõ ràng có thể dẫn đến việc bù chéo dịch vụ giữa viễn thông và truyền hình, dẫn tới khó xác định được giá thành dịch vụ”, ông Lâm lý giải.

Trong khi đó, theo Luật Giá hiện hành, truyền hình trả tiền không phải là dịch vụ thiết yếu nên không nằm trong danh mục dịch vụ nhà nước phải quản lý giá. Do đó, muốn quản lý giá cần phải kiến nghị sửa đổi Luật Giá để nhà nước bổ sung truyền hình trả tiền vào danh mục cần quản lý giá, khi đó mới có cơ sở để Bộ TT&TT có biện pháp quản lý.

Ông Lâm cho rằng, giờ đây đã đến lúc cần xem xét bổ sung dịch vụ truyền hình vào danh mục nhà nước quản lý giá. Vì số lượng các hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình ngày càng tăng lên và truyền hình đang dần trở thành dịch vụ không thể thiếu đối với nhiều người dân.

Trong lĩnh vực viễn thông, nhà nước đã có tiền lệ quy định đơn vị nào chiếm thị phần chi phối thị trường, có số lượng thuê bao lớn sẽ bị quản lý giá. Đối với truyền hình nếu xét từng doanh nghiệp riêng lẻ sẽ không có doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế theo Luật Viễn thông, nhưng nếu tính theo số vốn cộng lại tại các doanh nghiệp trực thuộc thì sẽ xuất hiện những đơn vị truyền hình lớn có sở hữu số lượng thuê bao lớn.

Vì vậy, nếu muốn quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình, thì có hai phương án đặt ra. Đó là kiến nghị sửa đổi Luật Giá để quản lý theo Luật Giá, hai là áp dụng theo Luật Viễn thông quản lý giá dịch vụ của doanh nghiệp có thị phần khống chế.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng, thị trường truyền hình hiện nay các doanh nghiệp đang cạnh tranh khá mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cần có cuộc họp riêng về giá dịch vụ truyền hình để bàn biện pháp quản lý thị trường này.

P.V

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201610/vi-sao-truyen-hinh-tra-tien-dua-nhau-giam-gia-hut-khach-543719/