Vì sao Trung Quốc vội vã củng cố biên giới với Triều Tiên?

Các chuyên gia cho biết Trung Quốc cần chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng có thể xảy ra nếu căng thẳng về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên leo thang thành xung đột quân sự.

Biên giới Triều Tiên - Trung Quốc trải dài 1.415 km. Khu vực này là một trung tâm công nghiệp và khai thác mỏ dày đặc khói và có mùa đông khắc nghiệt.

Ở những thời điểm bình thường, thành phố biên giới Đan Đông bên phía Trung Quốc sẵn lòng đón tiếp hàng trăm khách du lịch tới ngắm nhìn Triều Tiên. Họ có thể đi thuyền trên sông Áp Lục, con sông chia cách hai nước, hoặc từ Vạn Lý Trường Thành nhìn ra khu vực biên giới quốc tế bằng ống nhòm.

Ngoài du lịch, những chiếc xe tải cũng rầm rập chở hàng hóa Trung Quốc tới Triều Tiên trong khi một số ít người mua hàng và thương nhân di chuyển theo hướng ngược lại.

Các hoạt động xuyên biên giới vẫn diễn ra dù quan hệ giữa Triều Tiên và đồng minh quan trọng thăng trầm theo các vụ thử hạt nhân và tên lửa gia tăng của Bình Nhưỡng cùng những lời phản đối giận dữ từ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo các báo cáo được công bố gần đây trên trang web của quân đội và chính phủ Trung Quốc được Wall Street Journal chỉ ra, Bắc Kinh đang tăng cường lực lượng biên giới.

Binh sĩ Triều Tiên đi thuyền băng qua sông Áp Lục, phía bắc thành phố biên giới Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 23/5. Ảnh: Getty.

Âm thầm chuẩn bị cho khủng hoảng

Lựa chọn cứng rắn này xuất hiện trong bối cảnh hy vọng về một giải pháp ngoại giao đối với các cuộc thử tên lửa của Triều Tiên vẫn còn ảm đạm và lo ngại về cuộc đối đầu quân sự giữa Washington và Bình Nhưỡng đang tăng lên.

Kịch bản xấu nhất có thể dẫn tới ô nhiễm hạt nhân gần biên giới của Trung Quốc với Triều Tiên và hàng nghìn người tị nạn ồ ạt tràn sang nếu khủng hoảng nổ ra.

Bắc Kinh thường im lặng về sự chuẩn bị cho một kịch bản như vậy trên bán đảo Triều Tiên giữa các báo cáo về việc tăng cường an ninh dọc biên giới Trung - Triều.

"Dưới áp lực của Mỹ và các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, tôi rất bi quan về triển vọng ở bán đảo", ông Zhang Tuosheng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Trung Quốc, cho biết.

"Trung Quốc cần phải có kế hoạch khẩn cấp để đối phó với dòng người tị nạn và ô nhiễm hạt nhân có thể xảy ra", ông Tuosheng nói với South China Morning Post.

Xe tải chở hàng qua biên giới Trung - Triều ở Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 26/4/2004. Ảnh: Getty.

Theo CNN, mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Triều Tiên chỉ là trên giấy tờ. Vùng biên giới với Triều Tiên là khu vực được quân sự hóa nhất của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã tổ chức 5 cuộc diễn tập cứu hỏa và tấn công bằng máy bay trực thăng trong khu vực những tháng gần đây.

Theo một báo cáo được công bố tháng trước trên trang web chính thức của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), một "lữ đoàn phòng thủ biên phòng mới được thành lập" đang tiến hành tuần tra để thu thập thông tin tình báo, đánh giá tình hình và lập bản đồ chính xác hơn về biên giới.

Một báo cáo khác cho biết "toàn bộ diện tích" vừa được đặt dưới sự "giám sát 24 giờ mỗi ngày bằng hình ảnh", bao gồm máy bay không người lái, xe tuần tra và máy chụp hình công nghệ cao.

Lo ngại người tị nạn tràn sang

Là một khu vực mang tính chiến lược với Trung Quốc, vùng biên giới với Triều Tiên từng trải qua xung đột trong Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, một trong những mối quan ngại chính của Bắc Kinh không phải là các lực lượng quân đội đổ xuống biên giới mà là những người tị nạn.

"Sự di cư ồ ạt của người dân Triều Tiên qua biên giới là mối lo ngại lớn, nhất là khi xét tới các trung tâm dân cư dày đặc cách biên giới không xa và tầm quan trọng về kinh tế của vùng Đông Bắc Trung Quốc", một báo cáo gần đây của Quỹ Jamestown của Mỹ nhận định.

Đường biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên với sông Áp Lục và Đồ Môn. Đồ họa: RFA.

Trong khi Triều Tiên đã chứng tỏ được khả năng xoay xở bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế, quốc gia này từng hứng chịu nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong quá khứ.

Các nhà phân tích cho rằng một cuộc xung đột trên bán đảo có thể sẽ dẫn đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu dân thường hướng lên phía bắc để tới Trung Quốc. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đây là "lo lắng vô cùng lớn cho Bắc Kinh".

Hồi tháng 3, Wang Haiyu, một thiếu tướng đã nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc, nói rằng "cần chuẩn bị chiến dịch quân sự càng sớm càng tốt cho một cuộc chiến tiềm ẩn" trên bán đảo.

"Một khi chiến tranh bùng nổ, chúng ta cũng nên xem xét thành lập một trại tị nạn quốc tế ở lãnh thổ Triều Tiên để ngăn chặn dòng người tị nạn Triều Tiên", ông Wang phát biểu trên Global Times.

Một du khách nhìn qua hàng rào được Trung Quốc dựng lên giữa biên giới với Triều Tiên tại thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 21/10/2006. Ảnh: Getty.

Thế khó của Bắc Kinh

Căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington tiếp tục gia tăng khi gần đây Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang hạt nhân (ICBM).

Chính quyền Donald Trump từng tìm cách gây áp lực lên Trung Quốc để kìm hãm Triều Tiên nhưng không đem lại tiến triển gì nhiều. Một mặt, Trung Quốc chỉ trích các vụ thử nghiệm của Triều Tiên. Mặt khác, nước này cũng phản đối luận điệu của Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên và khuyến khích các bên trở lại bàn đàm phán.

Hồi đầu tháng, Đại sứ Trung Quốc Liu Jieyi đã cảnh báo rằng nếu các cường quốc thế giới không tìm ra cách để giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên thì mọi thứ có thể vượt ngoài kiểm tầm soát và dẫn tới kết quả thảm khốc.

James Reilly, một học giả về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Sydney, nói rằng nhiều người Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về các phương án mà Mỹ xem xét để kiềm chế Triều Tiên. Ngoài ra, ông cho rằng có thể Bắc Kinh cũng cảm thấy thất vọng với cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với Triều Tiên.

Binh sĩ Triều Tiên tuần tra cạnh hàng rào biên giới gần thị trấn Sinuiju, đối diện thành phố Đan Đông, Trung Quốc, ngày 10/2/2016. Ảnh: AFP/Getty.

Vấn đề Triều Tiên dường như đang khiến tất cả các bên lúng túng. Báo chí Mỹ và Hàn Quốc từng đưa tin về một cuộc huy động quân sự quy mô lớn dọc biên giới Triều Tiên vào giữa tháng 4 nhưng phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phủ nhận thông tin này.

Hôm 25/7, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng quân đội nước này "duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu và tình trạng huấn luyện bình thường dọc biên giới Trung - Triều".

Đầu năm nay, Global Times của Trung Quốc từng có bài xã luận nói về nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và những rủi ro mà Trung Quốc sẽ hứng chịu nếu điều này xảy ra.

"Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề hóc búa ngay bây giờ thì nước này sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn hơn trong tương lai", Global Times cảnh báo.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-trung-quoc-voi-va-cung-co-bien-gioi-voi-trieu-tien-post766105.html