Vì sao Trung Quốc 'tán tỉnh' Campuchia?

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới quốc gia láng giềng nghèo Campuchia là minh chứng cho thấy Trung Quốc sẵn lòng đầu tư tài chính, cơ sở hạ tầng và viện trợ cho các quốc gia đồng minh tiềm năng.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng bình luận, trong những năm đầu thập niên 70, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc là Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã cho cựu vương Campuchia Norodom Sihanouk sang tị nạn và đối đãi như là một vị khách danh dự của quốc gia. Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), động thái này nhằm chứng minh sự ủng hộ của Trung Quốc với những quốc gia nhỏ bé chống lại chủ nghĩa đế quốc.

Dù quan điểm nhìn nhận thế giới của Trung Quốc đã có nhiều thay đổi nhưng chiến lược sử dụng Campuchia để minh chứng cho hình ảnh một Bắc Kinh vĩ đại vẫn không đổi thay. Nói cách khác, khi ông Tập đặt chân tới thủ đô Phnom Penh hôm 13/10, thông điệp mà nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn nhắn gửi là Bắc Kinh không chỉ hỗ trợ cho quốc gia nghèo khó như Campuchia mà còn các nước trong khu vực châu Á với tiêu chí thân thiết với Trung Quốc để hưởng lợi từ sự giàu có và quyền lực từ quốc gia này.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt nhà vua Campuchia Norodom Sihamoni hôm 13/10.

Theo ông Tập, thương mại song phương Trung Quốc – Campuchia đã đạt 4,4 tỷ USD hồi năm ngoái và được kỳ vọng vươn lên mức 5 tỷ USD trong năm tới.

Thống kê của Hội đồng Phát triển Campuchia cho thấy khoản đầu tư của Trung Quốc sang Campuchia đạt 864 triệu USD vào năm 2015. Kể từ năm 1994, Bắc Kinh đã hỗ trợ Phnom Penh 9,1 tỷ USD. Trong năm nay, Trung Quốc tiếp tục cam kết chuyển cho Campuchia khoản viện trợ trị giá 600 triệu USD trong vòng 3 năm tới.

Hiện tại, Trung Quốc cũng đang kỳ vọng với sự ủng hộ toàn tâm toàn ý cho Campuchia – người bạn thân trung thành nhất của Bắc Kinh trong khối 10 quốc gia thành viên ASEAN, để thắt chặt hơn các mối quan hệ hơn với tổ chức này. Ngoài ra, Trung Quốc muốn cân bằng tầm ảnh hưởng trong khu vực với Mỹ cũng như thể hiện trước các đồng minh tiềm năng rằng Bắc Kinh có thể hỗ trợ cả về tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và viện trợ tài chính.

"Trung Quốc có thể sử dụng các dự án ở Campuchia để minh họa cho các nước trên thế giới", doanh nhân Victor Gao, người từng đi phiên dịch cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong thập niên 80 chia sẻ trong một hội thảo tại Bắc Kinh đầu tuần này.

Theo ông Gao, nếu như Campuchia có thể được hưởng lời tự sáng kiến "Một vành đai, một con đường" do ông Tập Cận Bình khởi xướng, các quốc gia nghèo khó khác cũng sẽ tìm cách kết thân với Bắc Kinh.

Điển hình, trong năm 2015, so với tổng số tiền các nước khác đổ vào Campuchia, Trung Quốc vẫn giữ vị trí số 1 là nhà đầu tư lớn nhất cho quốc gia 16 triệu dân với GDP bình quân đầu người là 1.200 USD. Cụ thể cứ 5 USD đầu tư vào Campuchia thì có 1 USD là của Trung Quốc.

"Campuchia là bạn thân trung thành của Trung Quốc. Campuchia là bạn tốt nhất của Trung Quốc và Trung Quốc đánh giá cao điều này", Giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ nước ngoài tại Đại học Peking, ông Zhai Kun chia sẻ.

Nhiều chuyên gia nhận định Campuchia đã trở thành "lá chắn" giúp Trung Quốc tránh được những lời chỉ trích của các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông với Bắc Kinh.

Cái bắt tay thắm thiết của ông Tập với nhà vua Norodom Sihamoni, con trai của cựu vương Sihanouk, đã thể hiện tình bạn và sự tin tưởng đôi bên giữa hai nước. Mối quan hệ nồng ấm giữa Trung Quốc và Campuchia hoàn toàn đối lập với quan hệ sóng gió hiện thời giữa Mỹ và đồng minh lâu đời ở châu Á, Philippines. Nguyên nhân là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhiều lần có những lời xúc phạm nặng nề người đồng cấp Barack Obama.

Trong bối cảnh, sự trỗi dậy của Trung Quốc nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế, chính trị và cả quân sự ở châu Á gây ra sự hoang mang và thậm chí là phản ứng mạnh mẽ từ Washington và các quốc gia đồng minh, hơn bao giờ hết Trung Quốc cần tới những người bạn và Campuchia là một trong số đó. Năm 2012, bất chấp phản ứng giận dữ từ các nước trong khu vực, Campuchia đã ngăn cản ASEAN ra tuyên bố chung chỉ trích hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngoài ra với thực trạng số người giàu ngày càng nhiều và già hóa dân số, Trung Quốc coi khu vực Đông Nam Á là điểm đến để đầu tư và thu lợi.

"Trong hai thập niên tới, ASEAN sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới tương tự như những gì Trung Quốc đã làm vào những năm 1990. Đây cũng chính là cơ hội đầu tư mà Trung Quốc không thể bỏ qua", Giáo sư Chu Yin tại Đại học các mối quan hệ quốc tế nhận định.

Phát biểu trong một cuộc hội thảo hồi tuần trước, Giáo sư Zha Daojiong tại Đại học Peking nhấn mạnh chiến lược của Trung Quốc là về lâu dài kéo các nước nhỏ vào quỹ đạo của nước này "trong khi hiện thời các nước vẫn chưa đánh giá cao sáng kiến 'Một vành đai, một con đường' của Trung Quốc".

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-trung-quoc-tan-tinh-campuchia-post211476.info