Vì sao Triều Tiên cần đến vũ khí hạt nhân?

Tạp chí CSM nhận định rằng, việc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa và đầu đạn hạt nhân không phải là nhằm tiêu diệt các nước lân cận, mà là đảm bảo sự sinh tồn của chính họ trên trường quốc tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng mặc dù Triều Tiên vừa công bố phóng 4 quả tên lửa đạn đạo để thử nghiệm tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, song nước này vẫn chưa đủ sức để có thể phát triển một loại tên lửa lợi hại như vậy.

Một cuộc diễn tập quân sự có sự tham gia của các dàn phóng tên lửa của Triều Tiên.

Một cuộc diễn tập quân sự có sự tham gia của các dàn phóng tên lửa của Triều Tiên.

Quan trọng hơn cả, sự tồn tại của các loại tên lửa và đầu đạn hạt nhân đối với Triều Tiên là cần thiết, bởi theo nhiều người mục đích của các loại vũ khí này không hoàn toàn là nhằm tiêu diệt Hàn Quốc, Nhật Bản hay thậm chí là Mỹ. Đơn giản là lãnh đạo Kim Jong-un không muốn phải chịu cùng số phận với các cựu nguyên thủ Muammar Gaddafi của Libya hay Saddam Hussein của Iraq do từ bỏ vũ khí hạt nhân.

“Sau cùng, các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước”, ông John Delury, một giáo sư thuộc đại học Yonsei ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết. “Chừng nào chứng ta chưa tìm giải pháp để giúp Bình Nhưỡng có thể tự khẳng định an ninh đất nước, họ sẽ còn tiếp tục thử nghiệm vũ khí và có những hành động “gây hấn” khác”.

Ông Jeffrey Lewis, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu James Martin tại Monterey, bang California (Mỹ) cũng cho rằng cuộc phóng thử tên lửa của Triều Tiên giống một cuộc diễn tập hơn là một cuộc thử nghiệm vũ khí thật sự.

Bình Nhưỡng đã từng chứng minh cho thế giới rằng họ có vũ khí hạt nhân sau khi đã thử nghiệm 5 lần trong quá khứ lần lượt vào các năm 2006, 2009, 2013 và hai lần trong năm 2016. Họ cũng khẳng định rằng họ đã thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, qua đó cho phép chúng có thể được lắp đặt trên các loại tên lửa khác nhau, tuy nhiên tuyên bố này vẫn chưa được xác minh.

Lãnh đạo Kim Jong-un cũng công bố rằng quá trình phát triển tên lửa xuyên lục địa đã bước vào “giai đoạn cuối”. Các chuyên gia tin rằng loại vũ khí này sẽ được triển khai trong vòng 3 năm, hoặc thậm chí có thể còn sớm hơn. Nhưng họ khẳng định rằng mục đích của nó không phải là để tấn công nước khác.

“Khi nhìn vào hành động và lời nói của họ, có thể thấy rằng mục đích của các chương trình hạt nhân của Triều Tiên đó là nhằm ngăn chặn Mỹ xâm lược họ”, ông Joshua Pollack, tổng biên tập tạp chí The Nonproliferation Review của Mỹ cho biết. “Chiến lược của họ phụ thuộc vào việc Mỹ đưa quân với số lượng lớn trong khu vực và tấn công trước, sau đó họ sẽ mang các loại vũ khí hạng nặng để ngăn điều này xảy ra”.

Ngoài ra, chuyên gia Peter Apps đã viết trên Reuters rằng, điều mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn là rất đơn giản, đó là đảm bảo vị thế của đất nước và chính phủ của mình.

Không chỉ có việc xây dựng khả năng tấn công nước ngoài, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng được cho là đang củng cố quyền lực của mình trong nước thông qua hàng loạt hành động rắn tay đối với bộ máy chính quyền.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi một cuộc diễn tập quân sự.

Nhiều đời Tổng thống Mỹ vừa qua đã hi vọng rằng Trung Quốc sẽ có thể thuyết phục Triều Tiên trì hoãn tiến trình phát triển vũ khí của mình và mở cửa ra thế giới. Bắc Kinh cũng đã nhiều lần trấn an Washington cùng các nước Đông Á rằng họ vẫn có thể đảm bảo Triều Tiên hành động đúng mực. Tuy nhiên, lời trấn an của Trung Quốc ngày càng không có tác dụng.

Nếu Triều Tiên thúc đẩy quá trình phát triển vũ khí, các nước khác trong khu vực Đông Á sẽ tiếp tục yêu cầu các hệ thống phòng chống tên lửa của Mỹ được thiết lập. Trung Quốc đang hiện đại hóa các loại tên lửa của mình và họ không muốn điều này xảy ra. Đó là chưa kể Tokyo hay Seoul cũng có thể sẽ phát triển vũ khí hạt nhân.

Bắc Kinh đang lâm vào thế khó, và có thể ông Kim Jong-un biết điều này. Mặc dù Trung Quốc có thể áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt khác nhằm gây sức ép lên Bình Nhưỡng, song họ không muốn Triều Tiên sụp đổ. Trung Quốc không muốn bán đảo Triều Tiên thống nhất, bởi điều này rất có thể sẽ khiến Mỹ đặt căn cứ quân sự ngay sát lãnh thổ Trung Quốc. Nền kinh tế Triều Tiên sụp đổ cũng sẽ gây ra tình trạng người nhập cư từ đây tràn vào Trung Quốc.

Ông Kim hiểu rõ rằng không đất nước nào trên thế giới muốn đối đầu trực tiếp với Triều Tiên. Để củng cố vị thế này, ông phải tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân càng phát triển nhanh càng tốt và biến Triều Tiên trở nên bất khả xâm phạm.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-trieu-tien-can-den-vu-khi-hat-nhan-post223574.info